Khi bảng báo giá của 1 công ty bảo mẫu ở Trung Quốc được công khai đã khiến cho vấn nạn "bảo mẫu trá hình" nóng trở lại, thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận nước này. Trong đó, dịch vụ bảo mẫu dành cho người già thông thường bao gồm giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp vệ sinh với mức giá chung là hơn 3.000 tệ (tương đương 10,6 triệu đồng)/tháng. Nhưng chỉ cần thêm 1.000 tệ (tương đương 3,5 triệu đồng)/tháng, người ta có thể dễ dàng nhận được "dịch vụ cá nhân", cụ thể là nấu ăn vào ban ngày và "ngủ cùng" vào ban đêm.
"Các cụ muốn thế nào thì bảo mẫu bên chúng tôi chiều thế ấy." - Người phụ trách của công ty bảo mẫu nói.
Những bảo mẫu cung cấp "dịch vụ cá nhân" thường là những phụ nữ trung niên ở độ tuổi 40-50, đa phần đã ly hôn. Bởi con cái trong gia đình không có thời gian chăm sóc, nên họ làm bảo mẫu để kiếm thêm thu nhập.
Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người trẻ chấp nhận sự tồn tại của những bảo mẫu không lành mạnh kể trên. Họ cho rằng mình không ở bên cạnh bố mẹ được, do đó có thể làm tròn chữ hiếu bằng cách mua gói "dịch vụ cá nhân" cho các cụ.
Một giáo sư 70 tuổi ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã bị cô bảo mẫu 30 tuổi lừa mất 500 nghìn tệ (tương đương 1,7 tỷ đồng).
Do các con của giáo sư bận rộn với công việc nên thường xuyên vắng nhà. Dưới sự chăm sóc của bảo mẫu họ Lý, "mưa dầm thấm lâu" khiến ông nảy sinh tình cảm với cô. Sau đó, ông tin tưởng giao quyền nắm kinh tế cho cô Lý. Thế nhưng, cô bảo mẫu không những không quản lý tiền giúp ông, mà còn bắt đầu tiêu xài hoang phí, mua đồ hiệu đắt đỏ. Thậm chí cô ta còn thế chấp căn nhà của giáo sư để đổi lấy tiền tiêu xài. Cũng may mà các con của ông đã kịp thời phát hiện ra mọi chuyện trước khi quá muộn.
Ngoài ra, còn có một giáo viên 92 tuổi đã nghỉ hưu thuê một bảo mẫu 35 tuổi. Sự chăm sóc cẩn thận của cô Thái khiến ông lão rất hài lòng. Sau một thời gian, cô Thái "mạnh dạn" bày tỏ tình cảm và muốn kết hôn. Nửa tháng sau ngày cưới, ông cụ chuyển nhượng bất động sản duy nhất đứng tên mình cho cô Thái. Nào ngờ ngay sau khi có tiền trong tay, thái độ của cô ta cũng thay đổi.
Cô Thái bắt đầu bỏ nhà đi một thời gian dài, thái độ đối với chồng cũng lạnh nhạt, thờ ơ. Ông lão buộc phải chuyển thêm 50 nghìn tệ (tương đương 178 triệu đồng) để "mời" cô về. Nhưng chẳng ai có thể ngờ, khi vừa trở về nhà, cô ta đã đánh ông vì cho rằng ông lão "ngoại tình".
Sau hôm ấy, ông cụ bị gãy xương và phải nhập viện điều trị, Thái cũng bị cảnh sát tạm giữ.
Dịch vụ "bảo mẫu cá nhân" thực chất chính là một loại phục vụ trá hình thiếu lành mạnh, phản ánh một số vấn đề lớn trong điều kiện sống của người cao tuổi. Chung quy cũng chỉ bởi họ quá cô đơn và thiếu thốn tình yêu thương.
Thống kê cho thấy từ năm 2000 đến năm 2010, tỷ lệ "nhà trống" ở các khu vực thành thị của Trung Quốc đã tăng từ 42% lên 54% và ở các khu vực nông thôn tăng từ 37,9% lên 45,6%. Năm 2013, dân số người cao tuổi ở Trung Quốc đã vượt quá 100 triệu người.
Người trẻ trong cuộc sống hiện đại còn thường xuyên cảm thấy lạc lõng và trống trải, huống chi người cao tuổi? Khi sự sống ngày một ngắn lại, sự cô đơn sẽ trở thành một nỗi ám ảnh vô cùng khủng khiếp.
Cái kết oan nghiệt nhất không gì khác chính là cái chết của một người trong căn phòng trống, không ai hay biết, cho đến khi trong căn phòng toả ra mùi khó chịu thu hút sự chú ý của hàng xóm. Cảnh tượng khủng khiếp ấy đã xuất hiện ở Nhật Bản, quốc gia đang bị già hóa nghiêm trọng. Tại Nhật Bản, 30.000 người chết một mình tại nhà mỗi năm. Hiện tượng này được gọi là "cái chết cô độc".
Trung Quốc nói chung và các đất nước đang chịu cảnh già hóa dân số nói riêng hiện phải đối mặt với vấn đề hàng chục triệu người "cô đơn chờ chết" cùng vấn đề nan giải trên.
Một tình huống đau lòng như vậy tồn tại xung quanh chúng ta, nhưng không phải là hết cách giải quyết. Nếu chúng ta có thể chăm sóc nhiều hơn cho người già bằng tình yêu thương, dành thời gian trò chuyện với họ, có lẽ sẽ không xảy ra những chuyện đau lòng như vậy.
Theo Nguyên Dũng TT (Trí Thức Trẻ)