Trong khi những người thân cận với Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ mọi mối liên hệ giữa lời lẽ công kích của ông và tình trạng bạo lực gia tăng ở nước này, Jeh Johnson, bộ trưởng An ninh Nội địa dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, nhận định sự thay đổi trong môi trường chính trị “độc hại” bắt đầu từ trên xuống.
Theo Bloomberg, cuộc tranh cãi xuất hiện sau loạt bom thư gửi tới chính khách Mỹ và vụ xả súng ở giáo đường Do Thái tại thành phố Pittsburgh tuần trước.
Lời cảnh tỉnh về bạo lực
Jeh Johnson cho rằng những cá nhân “loạn trí” được bơm vào đầu các phát ngôn khiếm nhã mang tính chính trị. Những người này nghĩ họ có nhiệm vụ mang tới sự thay đổi cho xã hội bằng vũ khí hoặc bom. Theo ông Johnson, người dân Mỹ nghe theo lãnh đạo của họ, trong đó có tổng thống.
“Tổng thống của chúng ta có cái mic to nhất, cái loa lớn nhất”, ông Johnson nói trên chương trình This week của đài ABC hôm 28/10. "Người Mỹ cần yêu cầu lãnh đạo của họ tạo ra thay đổi, những phát ngôn và môi trường hòa nhã hơn”.
Vụ tấn công ở Pittsburgh vào ngày 27/10 tại giáo đường Do Thái đã khiến 11 người thiệt mạng, trong đó có nhiều người già. Nghi phạm xả súng mang tư tưởng bài Do Thái.
Hôm 26/10, trong một diễn biến khác, Cesar Sayoc bị bắt với cáo buộc gửi 13 thiết bị nổ tới các chính khách đảng Dân chủ, trong đó có cựu tổng thống Obama. Sayoc là một người ủng hộ Tổng thống Trump và từng có mặt trong nhiều sự kiện vận động bầu cử của ông.
Tình trạng này “nên là lời cảnh tỉnh tất cả người dân Mỹ để yêu cầu thay đổi”, ông Johnson nói.
Trong lúc đó, trả lời phỏng vấn trên Fox News Sunday, Bộ trưởng An ninh Nội địa hiện tại Kirstjen Nielsen cho biết tổng thống “đã nói vô cùng rõ rằng rằng chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bạo lực chính trị bén rễ ở đất nước này”.
Công kích và đáp trả
Phó tổng thống Mike Pence đã lên tiếng phản pháo việc quy trách nhiệm trong các vụ bạo lực cho những lời công kích của Tổng thống Trump, bản thân ông và các lãnh đạo Cộng hòa.
“Người thuộc cả hai phe đều dùng ngôn ngữ mạnh khi nói tới sự khác biệt trong quan điểm chính trị, nhưng tôi không nghĩ rằng bạn có thể liên hệ điều đó với mối đe dọa hay hành vi bạo lực”, ông Pence trả lời NBC News hôm 27/10.
Tuy nhiên, Matthew Dowd, cố vấn đảng Cộng hòa từng là người hoạch địch chiến lược tranh cử cho Tổng thống George W. Bush hồi năm 2004, cho rằng ông Trump cần nỗ lực hơn nữa.
Tổng thống Trump “không chịu trách nhiệm” cho những hành vi bạo lực gần đây của những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, nhưng ông ấy có “nghĩa vụ nỗ lực xóa bỏ chủ nghĩa mang tính bộ lạc này” và "chưa từng phát biểu một cách đúng đắn để giảm bớt sự kỳ thị”, Dowd nói trên ABC.
Khi được hỏi liệu những lời công kích mang tính chính trị ồn ào của ông Trump phải chăng đang gây chia rẽ đất nước, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, thuộc phe Cộng hòa, thừa nhận “đôi khi”.
“Tôi lo lắng nền chính trị theo chủ nghĩa bộ lạc sẽ trở thành quy chuẩn mới để vận hành nền chính trị”, ông Ryan trả lời phỏng vấn của CBS.
Chủ tịch Hạ viện kêu gọi nước Mỹ quay về “chính trị bao trùm” và băn khoăn liệu ông Trump có thực hiện nền chính trị như vậy hay không. “Thỉnh thoảng ông ấy làm vậy nhưng đôi khi thì không”, ông Ryan nói.
Hôm 27/10, Tổng thống Trump đã lên án “mọi dạng thức của tội ác”, bao gồm hành vi bài Do Thái.
“Chúng ta thương tiếc sự mất mát không thể tưởng tượng được hôm nay. Cả đất nước chúng ta và thế giới đều bị sốc”, ông phát biểu trong một sự kiện ở Indianapolis, cam kết sử dụng mọi nguồn lực của chính quyền để điều tra vụ việc.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, tổng thống đã quay trở lại “xiên xỏ” các đối thủ trên Twitter. Ông nói tỷ phú Tom Steyer, người từng kêu gọi luận tội ông, là “dở người” và trông như “kẻ điên” trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
“Không thể tưởng tượng được giữa lúc bạo lực chính trị kinh khủng, tổng thống của chúng ta lại tập trung công kích người khác thay vì khắc phục thiệt hại đối với đất nước”, Steyer đáp trả trên Twitter. Ông là một trong những người ủng hộ phe Dân chủ được gửi bom thư tuần trước.
Tổng thống "không được chào đón"
Riêng trong cộng đồng Do Thái, hành vi quấy rối, phá hoại và bạo lực tăng 34% vào năm 2016 và tiếp tục lên tới 57% năm 2017. Đây là số liệu tăng cao nhất trong lịch sử, theo Jonathan Greenblatt, giám đốc điều hành Liên đoàn Chống phỉ báng.
“Không chỉ những điều bạn nói sau vụ bi kịch là quan trọng, mà môi trường bạn tạo ra với những lời lẽ cũng có tác động lớn”, ông nói với ABC.
Trong khi đó, lãnh đạo cộng đồng Do Thái ở Pittsburgh đã viết một lá thư tới tổng thống, buộc ông chịu trách nhiệm cho vụ xả súng chết chóc.
“Hơn 3 năm qua, lời nói và chính sách của ông đã thúc đẩy phong trào chủ nghĩa dân tộc da trắng gia tăng. Bản thân tổng thống gọi thủ phạm là cái ác nhưng bạo lực hôm 27/10 là đỉnh điểm cho thấy ảnh hưởng của ông”, Bloomberg trích bức thư ngỏ.
Lá thư yêu cầu ông Trump “lên án chủ nghĩa dân tộc da trắng tới cùng”, “ngừng nhắm vào và gây nguy hiểm cho nhóm người thiểu số”, “dừng công kích người di cư và tị nạn” và “thể hiện cam kết với những chính sách dân chủ cảm thông và tôn trọng tất cả”.
Thư cũng tuyên bố ông Trump sẽ không được chào đón ở thành phố cho đến khi thực hiện những điều trên. Và đúng như vậy, hôm 30/10, tổng thống Mỹ đến Pittsburgh tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng nhưng bị các quan chức né tránh và gia đình nạn nhân từ chối gặp mặt.
Hơn 1.300 người đăng ký tham gia cuộc biểu tình diễn ra đúng thời điểm ông Trump và đoàn tháp tùng đến Pittsburgh. Họ tuyên bố tổng thống "không được chào đón tại thành phố của chúng tôi và đất nước của chúng tôi".
Trong lúc gia đình Trump đặt một hòn đá và nụ hoa hồng cho mỗi nạn nhân thiệt mạng, người biểu tình gần đó hô lớn: "Trump, về nhà đi".
Theo Ngọc Hà (Tri Thức Trực Tuyến)