Tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc gọi Aung San Suu Kyi, biểu tượng dân chủ của Myanmar được phương Tây ủng hộ, là nhà chính trị thực dụng đang tìm cơ hội hợp tác với Trung Quốc vì lợi ích của người dân nước bà.
Bà Suu Kyi đang có chuyến công du Trung Quốc |
Với tư cách là Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Suu Kyi, người đồng thời là Ngoại trưởng nước này, đang có chuyến công du Trung Quốc từ 17 đến 21.8 theo lời mời của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Lần đầu bà đến Trung Quốc hồi năm 2015 với tư cách lãnh đạo của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (hiện là đảng cầm quyền ở Myanmar) và được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón.
Ông Zhao Gancheng, Giám đốc Khoa nghiên cứu Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, nhận định chuyến công du của bà Suu Kyi đến Trung Quốc - quốc gia đầu tiên bên ngoài ASEAN bà viếng thăm - cho thấy "người đàn bà thép" của Myanmar đánh giá cao vai trò của Trung Quốc, nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar.
“Bắc Kinh, ngược lại, xem bà Suu Kyi là người có quyền lực thứ hai sau Tổng thống nhưng lại là người quyết định các đường lối phát triển của Myanmar”, ông Zhuang Guotu, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc trường đại học Hạ Môn được Hoàn Cầu thời báo dẫn phát biểu.
Tờ báo nói rằng một cuộc khảo sát trên các website Trung Quốc cho biết những gì người dân nước này biết về bà Suu Kyi là cuộc bầu cử vừa qua và chiến lược đối ngoại của bà, họ cũng cho rằng tương lai Myanmar cần hướng về Trung Quốc hơn là phương Tây hay Mỹ.
Ông Tập Cận Bình tiếp đón bà Suu Kyi hồi năm 2015 |
Hoàn Cầu thời báo nói rằng người dân Trung Quốc không có nhiều hiểu biết về bà Suu Kyi hoặc không biết bà là hiện thân cho điều gì. Một sĩ quan cảnh sát Trùng Khánh yêu cầu không nêu tên nói với tờ báo hôm 16.8 rằng ông biết ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều hơn là bà Suu Kyi.
Hoàn Cầu thời báo thực hiện một cuộc khảo sát trên mạng Sina Weibo về các nhà lãnh đạo nữ được quan tâm nhất thế giới, cho thấy 21,8% trong hơn 7.000 người được hỏi chọn bà Merkel và 21% chọn Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Chỉ có 7,6% người chọn bà Suu Kyi.
"Không còn là một lãnh đạo đảng đối lập và chính trị gia bị bắt bớ, bà Suu Kyi sẽ phải kiềm chế mình khi ủng hộ quan điểm của phương Tây trong khi tìm cách hợp tác kinh tế với các nước láng giềng", ông Zhao nhận định.
Theo Minh Quang (Thanh Niên Online)