Tuy nhiên, theo cơ quan phòng vệ địa phương, cơn bão đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng tại vùng Bicol, phía Đông Nam thủ đô. Goni là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào quốc gia Đông Nam Á này trong nhiều năm qua.
Tối 1-11 (giờ địa phương), Cơ quan Dịch vụ Thời tiết, Địa vật lý và Thiên văn Philippines (PAGASA) cho biết bão Goni đã đi qua Luzon, hòn đảo đông dân nhất của Philippines và dự báo suy yếu thành bão nhiệt đới trong vòng 24 giờ tới.
Philippines có thể đã gặp may trước cuộc đổ bộ của bão Goni, cơn bão số 18 tấn công nước này trong năm nay nhưng vẫn phải đối mặt với vô số thảm họa thiên nhiên.
Các nhà khoa học cho biết tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đe dọa khả năng chịu đựng các thảm họa thiên nhiên của Philippines, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh.
Khi nhiệt độ bề mặt nước biển tăng lên, việc Philippines nằm trong vùng nước biển ấm đồng nghĩa với việc nước này đang phải hứng chịu cả những cơn bão nhiệt đới lớn hơn và thường xuyên hơn. Việc phá rừng hàng loạt, bao gồm cả việc phá rừng ngập mặn dọc bờ biển đã phá hủy các hàng rào tự nhiên đối với gió và nước.
Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết hơn 23.000 người ở Philippines đã chết vì các thảm họa thiên nhiên từ năm 1997 đến năm 2016 khi trái đất nóng dần lên gây ra nhiều cơn bão mạnh hơn.
Theo tờ The New York Times, GS Dakila Kim P. Yee, nhà xã hội học tại Trường ĐH Philippines Visayas Tacloban, cho biết: "Biến đổi khí hậu là vấn đề quốc tế lớn nhưng chúng tôi đang phải đối mặt với điều này ở cấp địa phương và chúng tôi không được trang bị đủ tầm nhìn tiến bộ cho điều này".
Trong khi đó, bão nhiệt đới Siony (tên quốc tế là Atsani) hôm 1-11 đã tiến vào Khu vực trách nhiệm của Philippines ngay sau khi siêu bão Goni đổ bộ vào tỉnh Albay. PAGASA cho biết Atsani có khả năng mạnh lên thành một cơn bão nhiệt đới mạnh trong vòng 24-36 giờ tới nhưng sẽ không ảnh hưởng đến Philippines trong 2 đến 3 ngày tới.
Như một phép màu
Ông Ahmet Citim, 70 tuổi, được kéo ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà đổ sập ở TP Izmir - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1-11 sau khi bị chôn vùi trong 33 giờ trong trận động đất mạnh làm rung chuyển bờ biển Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ và các đảo của Hy Lạp.
Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tổng số người thiệt mạng đã lên đến 58 người, tất cả nạn nhân đều ở Izmir trong khi hai thiếu niên thiệt mạng trên đảo Samos của Hy Lạp.
Theo hãng tin Reuters, ông Ahmet Citim là người may mắn được giải cứu khỏi một trong 20 tòa nhà dân cư bị phá hủy ở quận Bayrakli của Izmir, nơi đang trong quá trình chuyển đổi đô thị do không có khả năng chống động đất.
Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)