Báo Deutsche Welle: Nhiều loại bia Đức có chứa chất "diệt cỏ"

26/02/2016 20:16:08

Một nghiên cứu mới đây cho thấy 14 loại bia Đức có chứa chất glyphosate, được dùng rộng rãi trong những loại thuốc diệt cỏ trên thế giới, theo báo Deutsche Welle ngày 26.2.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy 14 loại bia Đức có chứa chất glyphosate, được dùng rộng rãi trong những loại thuốc diệt cỏ trên thế giới, theo báo Deutsche Welle ngày 26.2.

Một nghiên cứu gây tranh cãi ở Đức về loại chất gây ung thư có trong bia - Ảnh: Reuters

Nghiên cứu này do Viện Môi trường Munich, một tổ chức phi chính phủ đưa ra hôm 25.2. Theo đó, họ cho rằng đã thử 14 loại bia phổ biến tại Đức và phát hiện lượng glyphosate trên mức 0,1 microgram cho phép trong các loại nước uống.

Mẫu được tìm thấy ít nhất chứa 0,46 microgram glyphosate trên mỗi lít, và loại bia chứa nhiều glyphosate nhất là 29,74 microgram/lít, tức gấp 300 lần mức cho phép trong thức uống tại Đức.

Tuy nhiên, kết quả này không được các hãng bia và cơ quan chức năng đánh giá cao. Bộ trưởng Nông nghiệp Christian Schmidt đã xoa dịu những mối lo về sức khỏe của người tiêu dùng, Deutsche Welle cho biết.

Văn phòng ở Bremen của công ty sản xuất bia khổng lồ Anheuser-Busch cho rằng nghiên cứu của Viện Môi trường Munich bất hợp lý. Anheuser-Busch dẫn một dự luật về sức khỏe do Viện đánh giá rủi ro Liên bang (BFR) nói rằng lượng glyphosate có trong bia không đủ để đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

“Một người trưởng thành phải uống khoảng 1.000 lít bia mỗi ngày mới tích tụ số lượng chất độc gây hại cho sức khỏe”, BFR cho biết.

Glyphosate là loại chất được dùng trong thuốc diệt cỏ khá phổ biến trên toàn thế giới. Một số ý kiến cho rằng glyphosate đã lẫn vào bia từ việc được phun trên lúa mạch làm bia. Tuy nhiên, Liên đoàn trang trại Đức bác bỏ khả năng này, nói rằng việc phun trực tiếp thuốc diệt cỏ chứa glyphosate lên lúa mạch đã bị cấm. Rất có thể nó lẫn vào từ giai đoạn phun lên ruộng trước lúc gieo hạt.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận glyphosate là loại chất có khả năng dẫn tới ung thư. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn còn gây tranh cãi trong giới nghiên cứu.

Theo Nhật Đăng (Thanh Niên Online)

Nổi bật