Báo Canada cho rằng Trung Quốc đang từng bước thiết lập "vùng nhận dạng âm thanh nước" và "vùng nhận dạng hàng hải", đồng thời có thể công bố thiết lập ADIZ vào năm 2017.
Từ ngày 19 - 21/7/2016, một sư đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Ảnh: Chinanews |
Tờ nguyệt san Kanwa Defense Review của Canada vừa có bài viết cho rằng Hải quân Trung Quốc đang từng bước thiết lập cái gọi là "vùng nhận dạng âm thanh nước" và "vùng nhận dạng hàng hải" ở Biển Đông để sớm do thám tàu ngầm của Mỹ và Nhật Bản, đồng thời qua đó ngăn chặn tàu ngầm tiến vào vùng biển Đài Loan từ hướng bắc. Trung Quốc sẽ không công khai tuyên bố những vùng nhận dạng này.
Vùng nhận dạng âm thanh nước tức là xây dựng vùng nhận dạng chủ yếu sử dụng thiết bị định vị thủy âm kéo và thiết bị định vị thủy âm đáy biển ở các đảo đá, chủ yếu dò tìm tàu ngầm của Mỹ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đi vào những nơi mà Trung Quốc tự coi là "lãnh hải" và "vùng đặc quyền kinh tế" của mình. Vùng nhận dạng này sẽ thiết lập (bất hợp pháp) ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).
Tờ Kanwa Defense Review còn cho rằng hiện nay Quân đội Trung Quốc triển khai cả 3 tàu ngầm động cơ hạt nhân lắp tên lửa đạn đạo Type 094 ở đảo Hải Nam. Điều này có nghĩa là tác dụng quân sự của vùng nhận dạng âm thanh nước còn có tính chiến lược.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sohu |
Quân đội Trung Quốc sẽ tận dụng nước sâu của Biển Đông để các tàu ngầm hạt nhân chiến lược đi lại giữa đảo Hải Nam với đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng trái phép), làm cho hệ thống săn ngầm của Mỹ khó có thể tiếp cận những khu vực này.
Vùng nhận dạng hàng hải chủ yếu sử dụng radar tìm kiếm đối hải triển khai (bất hợp pháp) trên các đảo đá, do thám tàu mặt nước của Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, các nước ASEAN tiến vào những nơi bị Trung Quốc tự coi là "vùng đặc quyền kinh tế" và "lãnh hải".
Một khi tàu ngầm, tàu mặt nước của Quân đội Mỹ tiến hành hai vùng nhận dạng trên, Hải quân Trung Quốc sẽ lập tức theo dõi.
Theo phân tích của Kanwa, việc xây dựng hai loại vùng nhận dạng này của Trung Quốc ở Biển Đông có ý nghĩa quân sự hơn so với thiết lập "vùng nhận dạng phòng không".
Trung Quốc cũng sẽ xây dựng (bất hợp pháp) nhiều hơn radar tìm kiếm đối hải, thiết bị dò tìm âm thanh nước, thiết bị định vị thủy âm kéo ở trên các đảo đá chiếm đóng cùng với hệ thống định vị thủy âm đáy biển ở đá ngầm vòng.
Tờ Kanwa năm nay từng cho rằng Trung Quốc đã quyết định phạm vi bao quát của cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Biển Đông", có thể chính thức tuyên bố vào năm 2017.
Trung Quốc được cho là xây dựng bất hợp pháp radar cao tần ở đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AMTI/CSIS |
Nguyên tắc cơ bản phân chia vùng nhận dạng này là "lấy vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của đảo Hải Nam, 7 đảo nhân tạo và đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) làm tiêu chuẩn.
Trung Quốc trước đây cất quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhảy vào tranh chấp Biển Đông, gây ra điểm nóng Biển Đông hiện nay.
Năm 2013, Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài đã được công bố vào ngày 12/7/2016, phủ định cái gọi là "quyền lợi lịch sử" của Trung Quốc trong phạm vi "đường chín đoạn". Trung Quốc đã kiên quyết từ chối chấp nhận kết quả này.
Trung tuần tháng 9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada thăm Mỹ, cho biết Hải quân Mỹ và Nhật Bản sẽ tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông.
Chuyên gia Trung Quốc dọa nạt rằng nếu tàu chiến Mỹ và Nhật Bản xuất hiện ở vùng biển và vùng trời các đảo đá có liên quan, "Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn. Nếu xung đột xảy ra thì Nhật Bản phải chịu trách nhiệm hoàn toàn".
Hải quân Mỹ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung Keen Sword ngày 19/11/2014 (ảnh tư liệu minh họa) |
Theo Phong Vân (Viettimes.vn)