Khoảnh khắc Triều Tiên làm nổ tung tuyến đường liên Triều
Ông Kim họp tướng lĩnh, 8 lữ đoàn pháo sẵn sàng khai hỏa
Đài KBS World (Hàn Quốc) ngày 15/10 đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa triệu tập cuộc họp với các quan chức quân sự và an ninh cấp cao Triều Tiên để thảo luận các phương thức đáp trả trước vụ việc nhiều máy bay không người lái (drone) Hàn Quốc xâm nhập không phận nước này.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), giám đốc Tổng cục tình báo Triều Tiên đã báo cáo với ông Kim về "hành động khiêu khích nghiêm trọng của đối phương (Hàn Quốc)". Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhận được báo cáo tóm tắt từ Tổng tham mưu trưởng quân đội về kế hoạch phản công quân sự.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên báo cáo với ông Kim các biện pháp hiện đại hóa vũ khí, và Thư ký của Đảng Lao động phụ trách ngành công nghiệp đạn dược báo cáo tóm tắt về tiến độ sản xuất vũ khí, cũng như trang thiết bị.
Sau khi nghe báo cáo về công việc của Bộ Tổng tham mưu Triều Tiên và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị chủ lực, ông Kim đã "đề ra phương án hành động quân sự ngay lập tức", chỉ ra "các nhiệm vụ cần hoàn thành trong hoạt động răn đe chiến tranh và việc đất nước cần thực hiện quyền tự vệ để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Theo Channel News Asia, cuộc họp của ông Kim và các tướng lĩnh diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang cáo buộc Hàn Quốc cho drone xâm nhập không phận thủ đô Bình Nhưỡng, thả các tờ rơi tuyên truyền chứa "tin đồn kích động" và điều động quân đội tới biên giới.
Ngày 12/10, KCNA thông báo, quân đội Triều Tiên đã ra lệnh cho các đơn vị pháo binh dọc biên giới với Hàn Quốc sẵn sàng khai hỏa.
Bộ Tổng tham quân đội Triều Tiên đã ban hành chỉ thị tác chiến sơ bộ, trong đó lệnh cho 8 lữ đoàn pháo binh được trang bị đầy đủ theo biên chế thời chiến, triển khai dọc biên giới và phải chuyển sang trạng thái sẵn sàng khai hỏa trước 20h ngày 13/10, đồng thời hoàn tất các công tác chuẩn bị chiến đấu.
Ngày 13/10, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ coi đó là "hành động tuyên chiến" nếu phát hiện thêm bất cứ một drone nào nữa của Hàn Quốc xâm phạm Triều Tiên. Nước này đồng thời cảnh báo "thảm họa khủng khiếp" cho Seoul.
Về phần mình, Seoul tuyên bố "hoàn toàn sẵn sàng đáp trả" nếu bị tấn công. Bộ quốc phòng Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ đối mặt với "dấu chấm hết" nếu gây ra bất cứ tổn hại nào cho người dân Hàn Quốc. Quân đội Hàn Quốc đồng thời phủ nhận đứng sau hoạt động của các drone đi vào Triều Tiên nhưng cho biết sẽ điều tra vấn đề này theo đúng Hiệp định đình chiến.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày hôm nay 15/10 cho biết Triều Tiên đã "cho nổ một số đoạn thuộc các tuyến đường Gyeongui và Donghae", nằm ở phía bắc của ranh giới quân sự ngăn cách song phương.
Nga cáo buộc Hàn Quốc gia tăng căng thẳng
Theo hãng tin Reuters (Anh), trước tình hình bán đảo Triều Tiên đang nóng lên, Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/10 đã lên tiếng cáo buộc Hàn Quốc làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Triều Tiên, đồng thời kêu gọi hai phía ngoại giao để khôi phục lại sự bình yêu và an ninh trong khu vực.
"Những hành động như vậy (của Hàn Quốc) đã xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Triều Tiên và các vấn đề nội bộ của nước này nhằm mục đích phá hoại nhà nước pháp lý và khuôn khổ chính trị của Triều Tiên, phủ quyết quyền tự phát triển của họ.
Việc đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực chỉ có thể được thực hiện thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao dựa trên cơ sở an ninh không thể chia cắt. Không có cách nào, trừ phi Hàn Quốc và Mỹ - đồng minh lớn của nước này – có mục đích khác" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu.
Ông Putin có động thái lịch sử với Triều Tiên giữa tình hình nóng
Trong một diễn biến đáng chú ý liên quan tới tình hình Triều Tiên, hãng thông tấn Interfax cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 14/10 đã đệ trình lên Duma Quốc gia Nga một văn bản về việc phê chuẩn hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược với Triều Tiên, nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước đạt đến tầm cao mới lịch sử.
Văn bản này nêu rõ, mỗi bên sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang với bên còn lại.
Theo Reuters, Nga đã xích lại gần hơn với Triều Tiên về quan hệ ngoại giao và quân sự kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2/2022.
Trước đó, vào tháng 3, Nga đã phủ quyết một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về việc gia hạn cho nhóm chuyên gia giám sát các vi phạm của Triều Tiên đối với lệnh trừng phạt do Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc áp đặt.
Hãng thông tấn Hàn Quốc cho hay, hiệp ước giữa Nga – Triều có những điểm tương đồng với các hiệp ước lịch sử. Ví dụ như điều khoản quy định nghĩa vụ cung cấp hỗ trợ quân sự giữa các bên có cách diễn đạt giống với Điều 1 của Hiệp ước Hữu nghị và Tương trợ lẫn nhau mà Triều Tiên và Liên Xô ký năm 1961.
Theo Minh Nhật (Nguoiduatin.vn)