Một nhà báo Nhật Bản tuyên bố ông là “bạn” của những tên chỉ huy Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông sẽ đàm phán với chúng để đổi tự do cho hai con tin đang bị giam giữ.
|
Bức ảnh nhà báo Kosuke Shamil Tsuneoka chụp cùng một trong số những tên thủ lĩnh IS Sheikh Omar. Cả hai đều giơ ngón tay trỏ bên phải lên trời - biểu tượng ám chỉ giữa các phần tử Hồi giáo cực đoan. Ảnh: Daily Mail
|
Xuất hiện trên truyền hình Nhật Bản trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm 22/1, nhà báo Kosuke Shamil Tsuneoka công khai thừa nhận ông là “bạn” của những tên chỉ huy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông tuyên bố sẽ làm mọi việc trong quyền hạn để đàm phán với những chiến binh Hồi giáo, buộc chúng thả hai con tin, theo Daily Mail.
"Tôi sẵn sàng hợp tác với văn phòng đối ngoại và thậm chí là với cảnh sát với mục đích giải cứu hai con tin Nhật Bản", một trong số ít nhà báo Nhật từng tới "Vương quốc Hồi giáo", tuyên bố.
Trước đó, trong một bài viết đăng trên trang Google Plus hôm 21/1, ông Kosuke đăng lời kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ Nhật Bản trong việc đối phó với IS.
Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản từ chối nói chuyện với Kosuke do năm ngoái, cảnh sát nước này truy tố ông theo luật chống khủng bố, đồng thời tịch thu hộ chiếu và cấm nhà báo này tới Syria. Theo cảnh sát Nhật Bản, Kosuke từng lên kế hoạch hộ tống một thanh niên có ý định trở thành chiến binh sang Syria.
|
Bức ảnh nhà báo Kosuke cầm súng đứng trước cờ của IS gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Daily Mail |
Nhà báo Kosuke cũng đã cải sang đạo Hồi cách đây 15 năm. Hiện ông phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi đăng bức ảnh cầm súng và đứng trước lá cờ của IS.
Trước đó, IS đe dọa giết hai con tin người Nhật là nhà báo Kenji Goto và nhà thầu quân sự Haruna Yukawa trong video đăng tải ngày 19/1, nếu trong 72 giờ tổ chức này không nhận được 200 triệu USD từ phía Tokyo.
Cho tới nay, khi hạn giao tiền cận kề, chính phủ Nhật vẫn không thể liên lạc với IS cũng như biết về tình hình của hai con tin. Tokyo cho hay, họ sẽ nỗ lực tiếp cận những kẻ bắt cóc con tin IS thông qua bên thứ 3, như chính quyền khu vực hoặc các lãnh đạo bộ tộc.
>> Nhật Bản chạy đua với thời gian để giải cứu 2 con tin
Theo Hải Anh (Zing.vn)