Greta Thunberg - nhà hoạt động vì môi trường 16 tuổi với bài diễn văn đầy cảm xúc "Sao các người dám!" tại hội nghị của Liên Hợp Quốc (LHQ) hiện đang là nhân vật được cả thế giới chú ý.
Nhưng thực ra, cô bé vốn đã trở thành một hiện tượng từ 1 năm trước đó, khi lần đầu xuất trước cửa tòa Quốc hội của Thụy Điển cùng tấm bảng: "Bãi khóa vì khí hậu". Cô bé đã quyết định không đến trường mà tham dự biểu tình nhằm gây áp lực cho chính phủ Thụy Điển phải tuân thủ những gì đã cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Greta đã không cô đơn. Một đồn mười, mười đồn trăm, hình ảnh của cô bé đã lan tỏa, giúp trào lưu "bãi khóa" ấy trở nên thực sự phổ biến. Dù bị một số ý kiến chỉ trích là "trào lưu cổ suý trốn học", đó vẫn là nguồn cảm hứng để học sinh, sinh viên và giới trẻ được lên tiếng, thể hiện thái độ vì môi trường.
Từ lần "Bãi khóa vì khí hậu" đầu tiên
Năm 2015, một nhóm sinh viên đã đứng ra kêu gọi sinh viên trên toàn thế giới đồng loạt nghỉ học vào ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị khí hậu do LHQ tổ chức.
Ngay khi hội nghị tại Paris bắt đầu vào ngày 30/11/2015, sinh viên tại hơn 100 quốc gia cũng đồng loạt nghỉ học, với tổng số người tham gia lên tới hơn 50.000 người. Mục đích của phong trào khi đó là để tạo áp lực đến các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị, nhằm có những hành động cụ thể hướng đến 3 yếu tố: năng lượng sạch, giữ lại nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất, và trợ giúp người tị nạn vì biến đổi khí hậu.
Một trào lưu có mức lan tỏa rất lớn, nhưng sau đó rất tiếc đã không thể tiếp tục trở nên phổ biến hơn. Thế rồi, Greta Thunberg xuất hiện.
Greta Thunberg - Nguồn cảm hứng bất tận để người trẻ lên tiếng
"Con cháu sẽ nhắc tới các vị - những người của năm 2018, rằng tại sao các người không làm gì khi chưa quá muộn. Điều mà chúng ta làm, hoặc không làm ngay bây giờ sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của con cháu sau này, và họ không thể đảo ngược chúng trong tương lai."
"Vậy nên tháng 8/2018, tôi thấy mình chịu hết nổi. Đến ngày tựu trường, tôi bỏ học, tới trước quốc hội biểu tình."
Đó là những gì Greta Thunberg đã chia sẻ trên TED Talk vào một ngày cuối năm 2018, về việc vì sao cô bé quyết định không đến trường sau khi chứng kiến những đợt nắng nóng và cháy rừng ở Thụy Điển. Từ ngày 20/8/2015, cô bé đã đến tham gia biểu tình trước cửa tòa nhà quốc hội mỗi ngày, với tấm biển có dòng chữ "Skolstrejk för klimatet" (Bãi khóa vì khí hậu) trên tay.
Mục đích của cuộc biểu tình là yêu cầu chính phủ Thụy Điển phải tôn trọng Hiệp định Paris 2015 về vấn đề khí thải carbon. Đến ngày 7/9 - ngay trước kỳ tổng tuyển cử Thụy Điển diễn ra, cô bé tuyên bố sẽ tiếp tục bãi khóa vào mỗi thứ 6 trong tuần cho đến khi chính phủ lên tiếng.
Hashtag #FridaysForFuture Greta đặt ra đã thu hút sự chú ý cực lớn, và kể từ đó phong trào "Thứ Sáu vì tương lai" bắt đầu lan tỏa mạnh hơn, thu hút sự tham gia của giới trẻ trên phạm vi toàn thế giới.
Phong trào bùng nổ và sự ủng hộ đến từ khoa học
Về cơ bản, phong trào #FridaysForFuture kêu gọi người trẻ trên khắp thế giới đồng loạt nghỉ học vào thứ Sáu để tập trung tại tòa nghị chính gần nhất, nhằm kêu gọi chính quyền các nước nghiêm túc thực hiện các hành động bảo vệ môi trường. Và nó nhận được sự ủng hộ từ khá nhiều các học giả, trí thức trên thế giới.
Ngày 13/2/2019, một nhóm học giả đã ký bức thư ngỏ tỏ ý "hỗ trợ toàn diện cho các sinh viên: tham gia "bãi khóa nhằm thúc đẩy hành động vì nền khí hậu." Thứ Sáu ngày 15/2, toàn Vương quốc Anh có tới hơn 15.000 người tham gia, trên 60 thị trấn và thành phố.
Đến ngày 21/2, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker công bố ý định duyệt chi cả trăm tỉ euro để giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu. Con số ấy chiếm tới 1/4 ngân sách EU, và người ta cho rằng phong trào bãi khóa này có góp phần kích động trong đó.
Sang tháng 3, phong trào lan tỏa đến Đức. 700 nhà nghiên cứu tại Đức đã ký bản kiến nghị ủng hộ bãi khóa. Cứ như vậy, các cuộc bãi khóa vì khí hậu lan tỏa rất mạnh, nhưng đình đám nhất phải kể đến sự kiện "Global Climate Strike for Future" diễn ra vào ngày 15/3/2019. Gần 1,5 triệu trẻ em tại 2000 thành phố từ 112 quốc gia trên thế giới bãi khóa để xuống đường biểu tình đòi hành động chống biến đổi khí hậu. Ngay cả tại Nam Cực, nơi không có trường học, cũng có 7 nhà khoa học tổ chức biểu tình để phản đối các hành động chống khí hậu.
Kể từ đây, các hoạt động biểu tình về môi trường thực sự trở nên bùng nổ trên phạm vi toàn cầu. Đầu tháng 4/2019, 3000 nhà khoa học trên thế giới đã cùng ký vào một bức với tiêu đề: "Mối quan tâm của những người trẻ biểu tình là hợp lý", được xuất bản trên tạp chí khoa học Science, trong đó bày tỏ sự hỗ trợ của nền khoa học tốt nhất hiện tại với phong trào bãi khóa vì khí hậu.
Hoạt động xã hội hay trốn học: Ranh giới mong manh
Không phải ai cũng ủng hộ phong trào bãi khóa này. Ở Anh và Úc - những nơi phong trào diễn ra mạnh nhất, các chính trị gia cho rằng những sinh viên tham dự phong trào đơn giản chỉ là hành vi trốn học.
Cụ thể hơn, cựu thủ tướng Anh Theresa May chỉ trích phong trào này là "lãng phí thời gian giảng dạy". Thủ tướng Úc Scott Morrison thì đề nghị các học sinh, sinh viên "học nhiều hơn và bớt hoạt động lại". Nhẹ nhàng hơn là Bộ trưởng giáo dục Úc Dan Tehan với câu hỏi: nếu cảm thấy thực sự cần thiết phải hành động, tại sao học sinh không biểu tình vào các ngày nghỉ hoặc buổi tối, thay vì bỏ học một cách không cần thiết?
Tại New Zealand, các nhà lãnh đạo và trường học cũng có một số phản ứng trái chiều. Học sinh đi biểu tình nhận trát cảnh cáo vì việc này không được sự đồng ý của trường và cha mẹ. Tuy nhiên, bộ trưởng bộ Biến đổi khí hậu James Shaw thì tỏ ý ủng hộ, dù ông cũng cho rằng nên tuần hành phản đối vào cuối tuần, thay vì bỏ học và lãng phí tương lai của chính mình.
Dù vậy, nguồn cảm hứng mà phong trào này đã mang lại là điều khó phủ nhận. Ngày 15/3, đích thân tổng thư ký LHQ António Guterres đã xuất hiện, ôm hôn những người biểu tình. Ông thừa nhận rằng: "Thế hệ của tôi đã không thể lên tiếng một cách mạnh mẽ trước các vấn đề khí hậu. Còn giờ, nó được người trẻ nhận thức sâu sắc. Bởi vậy, họ phản đối là điều thích đáng."
Bộ trưởng bộ năng lượng Claire Perry cũng tỏ ra đồng tình, cho rằng chất lượng giáo dục được nâng tầm như ngày nay cũng là nhờ học sinh có ý thức với các vấn đề xã hội, điển hình là biến đổi khí hậu. Xét cho cùng, biến đổi khí hậu là những gì thực sự đang xảy ra, và mọi hoạt động vì nó cần đáng trân trọng.
Theo J.D (Helino)