Bác sĩ Vũ Hán cảnh báo nhóm bệnh nhân dễ tử vong vì Covid-19 nhất

10/03/2020 16:03:23

Bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp có thể đối mặt với nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao hơn, theo một bác sĩ chuyên khoa điều trị tích cực tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).

Các bác sĩ làm việc tại Vũ Hán, được coi là nơi bùng phát dịch bệnh Covid-19, lưu ý rằng những bệnh nhân Covi-19 có tiền sử bệnh lý phức tạp thường dễ rơi vào tình trạng nguy kịch và tử vong, dù tới nay chưa có nghiên cứu nào được đăng tải để giải thích lý do.

Trong số 170 bệnh nhân tử vong tại Vũ Hán hồi tháng 01/2020, khoảng gần một nửa có tiền sử cao huyết áp.

"Đây là một tỷ lệ rất cao," bác sĩ Du Bin, trưởng khoa Điều trị tích cực tại Bệnh viện Peking Union Medical College nhận xét. Ông là một trong những bác sĩ hàng đầu tại Trung Quốc hồi tháng 01 được cử tới Vũ Hán để tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân.

"Từ nhũng gì đã trao đổi với các đồng nghiệp, và từ dữ liệu tôi tiếp cận được, trong số các bệnh nền, cao huyết áp có thể là yếu tố nguy hiểm quan trọng," bác sĩ Du nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg.

"Dù chưa có nghiên cứu khoa học nào được công bố về vấn đề này, chúng tôi tin rằng cao huyết áp có thể là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng bệnh của bệnh nhân trở nặng, dẫn tới tiên lượng xấu," ông cho biết thêm.

Bác sĩ Vũ Hán cảnh báo nhóm bệnh nhân dễ tử vong vì Covid-19 nhất
Ảnh minh họa: Reuters

Các bác sĩ hiện vẫn đang gặp khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh đã lây lan rộng tại nhiều nước châu Á và châu Âu, khiến hơn 110.000 người mắc bệnh và hơn 4.000 người tử vong. Hiện tại, việc theo dõi sự tiến triển của căn bệnh và xác định những nhóm người có nguy cơ cao nhất đang là ưu tiên hàng đầu, theo Bloomberg.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những bệnh nhân cao tuổi và có tiền sử cao huyết áp. Họ là những người cần ưu tiên hàng đầu," bác sĩ Du Bin cho biết.

Bên cạnh đó, ông Du Bin cho rằng các bác sĩ cần có những biện pháp quyết liệt trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, do họ có thể sẽ sớm bị suy tạng nếu không được can thiệp kịp thời. Cụ thể, Du đề xuất các bác sĩ sử dụng các biện pháp thông khí xâm nhập khi bệnh nhân có tình trạng hạ oxy máu không thể cải thiện bởi các biện pháp không xâm nhập.

Khoảng một nửa bệnh nhân được áp dụng phương thức thở máy xâm nhập đã tử vong, nhưng những người khỏi bệnh thường được thở máy xâm nhập từ sớm.

"Các bệnh nhân cần được thở máy xâm nhập càng sớm càng tốt, muộn quá không giải quyết được điều gì," Du nói.

Bác sĩ Du Bin cũng cho rằng thời điểm hiện tại không nên trông chờ vào việc tìm ra thuốc đặc trị Covid-19, bởi chỉ dùng thuốc có thể là chưa đủ để chữa trị cho các bệnh nhân, nhất là người bệnh nặng.

Dịch SARS diễn ra vào năm 2002-03 cho thấy hầu hết các bệnh nhân có thể được chữa trị mà không cần đến thuốc chống virus. Trong khi đó, hiện nay có rất nhiều loại thuốc kháng sinh, nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân tử vong vì nhiễm trùng.

"Mỗi khi có bệnh truyền nhiễm liên quan tới virus, chúng ta thường hy vọng sẽ có một loại thuốc tiêu diệt virus, thay đổi kết quả lâm sàng. Tuy vậy hiện nay không có viên đạn ma thuật nào cả," ông nói, ám chỉ việc chờ đợi một giải pháp nhanh chóng, hiệu quả là không thực tế.

Thay vào đó, sự phối hợp giữa các y bác sĩ tại các đơn vị điều trị tích cực có thể sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc cứu sống bệnh nhân nguy kịch, Du Bin cho hay.

Vị chuyên gia điều trị tích cực hàng đầu Trung Quốc cũng có nhận xét về những hiện tượng "nhiễm bệnh trở lại" được truyền thông đăng tải trong thời gian gần đây.

Theo ông, việc bệnh nhân mới ra viện vài ngày đã nhiễm bệnh trở lại "về mặt lý thuyết" là không thể, bởi kháng thể mà cơ thể bệnh nhân tạo ra trong quá trình chống chọi với căn bệnh sẽ không đột ngột biến mất nhanh như vậy, dù chúng có thể không tồn tại cả đời.

"Về những ca bệnh tái nhiễm, điều cần xem xét là tính xác thực của các xét nghiệm cho thấy họ đã âm tính với virus," ông nói. Mẫu bệnh được lấy ở những nơi khác nhau trên cơ thể bệnh nhân có thể cho kết quả trái ngược, trong khi bộ xét nghiệm được cung cấp bởi các hãng sản xuất khác nhau cũng có thể làm ảnh hưởng tới kết quả.

Du cũng cho biết trái với các bệnh cúm, phụ nữ mang thai và trẻ em dường như không bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

"Từ những gì chúng tôi đã biết, phụ nữ mang thai không gặp phải tình trạng nguy kịch sau khi nhiễm chủng coronavirus này. Với các bệnh cúm, phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ cao, có thể có triệu chứng nặng và dẫn tới kết quả xấu. Tuy nhiêu với dịch bệnh này lại không như vậy," ông nói, bổ sung thêm rằng hiện chưa ghi nhận trường hợp trẻ em nào cần phải điều trị tích cực sau khi nhiễm Covid-19.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)

 

 

 

Nổi bật