'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi

23/04/2021 07:29:50

Khi các bác sĩ danh tiếng không thể cùng lúc thực hiện mọi ca phẫu thuật, thì đó lúc các bác sĩ ma xuất hiện.

Một buổi tối thứ 6, Kwon Tae-hoon nhận được một cuộc gọi bất ngờ.

"Anh có phải là anh trai của Kwon Dae-hee?" - đầu dây bên kia cất tiếng. "Em trai anh đang trong phòng cấp cứu. Anh có thể đến bệnh viện ngay bây giờ không?"

Em trai của Tae-hoon ở trong tình trạng "không quá nghiêm trọng" - theo lời bệnh viện thông báo. Tae-hoon đã nghĩ em mình có lẽ bị thương vì ẩu đả sau khi nhậu say, bèn lật đật bắt taxi tới bệnh viện Seoul. Anh thậm chí còn chuẩn bị sẵn một "bài ca không quên" dành cho cậu em quý tử của mình.

Nhưng cơ hội ấy chẳng bao giờ tới. Khi Tae-hoon đến nơi, em trai 24 tuổi của anh đã không còn ý thức. Cuộc phẫu thuật gọt cằm trước đó đã khiến anh chảy máu quá nhiều, lớp băng quanh mặt nhuộm đỏ một cách đáng sợ.

Và Dae-hee cũng không bao giờ tỉnh lại nữa. Anh qua đời trong viện sau đó 7 tuần!

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi
Kwon Dae-hee - nạn nhân của nạn "bác sĩ ma"

Gia đình Kwon tin rằng Dae-hee là nạn nhân của "bác sĩ ma" - một thực trạng đáng sợ tại Hàn Quốc. Đây là khái niệm để chỉ việc một bác sĩ khác đứng mổ thay cho bác sĩ vốn được thuê, trong khi bệnh nhân đang ở trạng thái gây mê toàn bộ.

Việc lén thay người phẫu thuật là bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên theo các nhà hoạt động, chính sách lỏng lẻo của ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) trị giá 10,7 tỉ USD của quốc gia này đã cho phép những cơ sở thẩm mỹ mọc lên như nấm, trong đó có những nhân viên không đủ tiêu chuẩn hành nghề đã đứng mổ thay cho bác sĩ tên tuổi.

Trên thực tế, các bác sĩ đôi khi phải tiếp nhận nhiều ca phẫu thuật một lúc, nghĩa là họ phải dựa vào đội bác sĩ thay thế vốn có thể là những bác sĩ thẩm mĩ còn non tay nghề, hoặc chỉ là nha sĩ, y tá, thậm chí có khi là dược sĩ... để xử lý thay cho họ.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 1

Luật pháp Hàn Quốc quy định, bất kỳ ai ra lệnh hoặc thực hiện các hoạt động y tế không giấy phép sẽ bị phạt tối đa 5 năm tù giam, và phạt tiền lên tới 50 triệu won (tương đương hơn 1 tỉ đồng tiền Việt). Nếu "bác sĩ ma" là một bác sĩ hợp pháp, người này có thể bị kết tội lừa đảo. Tuy nhiên, hành vi này rất khó để chứng minh bởi không có ghi chép nào cả, cũng như nhiều cơ sở không gắn camera trong phòng mổ. Và ngay cả khi sự vụ được đưa ra tòa án, các bác sĩ ma cũng hiếm khi chịu án nặng, qua đó tạo điều kiện để các cơ sở vi phạm tiếp tục hoạt động.

Nhưng trường hợp của Kwon Dae-hee đã khiến dư luận chú ý hơn về loại hình mờ ám này. Gia đình Kwon không chỉ mong muốn công lý được thực thi với những kẻ liên quan, mà còn đòi hỏi một sự thay đổi về mặt pháp lý.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 2

Dae-hee trong mắt người thân là một cậu sinh viên khiêm tốn và ấm áp, thuộc kiểu con trai sẵn sàng nấu súp cho mẹ của mình vào ngày sinh nhật.

Anh sở hữu bảng thành tích chói sáng, nhưng lại rất tự ti về ngoại hình và tin rằng PTTM sẽ giúp mình thành công hơn. Trong những tấm hình chụp trước khi tai nạn xảy ra, Dae-hee đã dùng phần mềm chỉnh lại khuôn mặt sao cho gọn gàng hơn, cằm nhọn hơn và có xương quai hàm, giống như các idol của K-pop.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 3

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 4

Anh trai và mẹ của Dae-hee - bà Lee Na Geum đã cố gắng thuyết phục anh không phẫu thuật, nhưng anh đã lén lút tìm đến một cơ sở thẩm mỹ uy tín, chuyên phẫu thuật tạo xương quai hàm (jawline) ở Gangnam. Ca phẫu thuật gọt hàm được ấn định vào ngày 8/9/2016, dự tính kéo dài 2 tiếng, với mức chi phí là 6,5 triệu won (khoảng hơn 132 triệu đồng).

Nhưng mọi thứ đã không diễn ra như ý định. Dae-hee bị chảy máu quá nhiều, phải chuyển gấp tới bệnh viện. 9h sáng hôm sau, bác sĩ PTTM cho Dae-hee mới tới viện. Ông nói với thân nhân rằng quy trình phẫu thuật đã diễn ra như bình thường, thậm chí còn đề nghị cung cấp video ghi lại trong phòng phẫu thuật. Đây vốn không phải yêu cầu bắt buộc tại Hàn Quốc, nhưng một số cơ sở thẩm mỹ vẫn đưa ra để tăng sự tin tưởng.

"Tôi lập tức cảm thấy rằng cần phải giữ lại bằng chứng" - bà Lee, mẹ của Dae-hee cho biết.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 5
Bà Lee Na Geum bên đống giấy tờ chuẩn bị tìm lại công lý cho con trai

Đoạn video được bà Lee tua đi tua lại tới 500 lần. Theo đó, ca mổ diễn ra vào lúc 12h56 phút chiều, khi bác sĩ phẫu thuật bắt đầu tiến hành cắt xương hàm của con trai bà. Có 3 y tá hỗ trợ khi đó.

Nhưng chỉ sau 1h vị bác sĩ đã rời đi, một bác sĩ khác lại vào phòng. Nhưng có thời điểm (kéo dài khoảng 30 phút), không có bác sĩ nào ở đó cả, dù y tá vẫn ở lại. Lee nhận thấy dù vị bác sĩ con trai bà thuê đã thực hiện thủ thuật cắt xương hàm, ông lại không hoàn tất ca phẫu thuật. Phần lớn quy trình được thực hiện bởi vị bác sĩ kia - vốn chỉ là bác sĩ đa khoa, không có bằng PTTM và cũng chỉ mới ra trường. Trong khi đó, cơ sở này quảng cáo rằng bác sĩ giám đốc sẽ là người đứng mổ từ đầu tới cuối.

"Em trai tôi tin tưởng vào vị bác sĩ ấy, đó là lý do nó chọn phẫu thuật ở đây" - anh trai nạn nhân, Tae-hoon cho biết.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 6

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 7

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 8

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 9
Ảnh cắt từ camera ghi lại trong phòng mổ Kwon Dae-hee

Theo như đoạn video, ca phẫu thuật kết thúc vào lúc 4h17 phút chiều, kéo dài hơn 3h đồng hồ. Thông thường, một ca phẫu thuật gọt cằm chỉ kéo dài trong khoảng 1,5h hoặc ít hơn với bác sĩ có kinh nghiệm - theo Kim Seon-woon, Cựu Giám đốc Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Hàn Quốc.

Sau ca phẫu thuật, cả hai bác sĩ đều ra về, để mặc y tá giải quyết việc Dae-hee mất máu. Lee cho biết bà thấy shock tột độ vì cảnh tượng này: con trai bà chảy máu, các y tá thì chỉ lo sửa lại lớp trang điểm hoặc xem điện thoại. Tổng cộng, họ lau máu trên sàn 13 lần. Dựa trên đoạn video, các chuyên gia y tế cho rằng Dae-hee mất đi lượng máu phải nhiều gấp 3 lần những gì 2 bác sĩ trên báo cáo.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 10

"Tôi nghĩ tên bác sĩ ma đã không kiểm tra lượng máu chảy ra từ con tôi" - Lee phẫn nộ. "Tôi thực sự rất tức giận. Phải như có ai đó kiểm tra lượng máu con tôi mất đi, nhưng chẳng ai làm cả."

Bất chấp cái chết của Dae-hee, cơ sở thẩm mỹ trên vẫn hoạt động, tiếp tục quảng cáo không có bất kỳ tai nạn nào xảy ra trong suốt 14 năm hành nghề. Tuy nhiên cơ sở đã đóng cửa vào năm 2020. Không ai rõ lý do vì sao.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 11

Gia đình Kwon đã rất muốn những kẻ liên quan phải chịu trách nhiệm. Nhưng rồi, họ sớm nhận ra luật pháp và quy định xung quanh "bác sĩ ma" thực sự rất lỏng lẻo.

Kể từ năm 1974, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã đưa PTTM là một hoạt động y tế, qua đó yêu cầu các bác sĩ phải vượt qua một kỳ kiểm tra chuyên môn. Đến năm 2014, nhà chức trách đã biết về vấn nạn "bác sĩ ma". Năm 2015, một nhóm bác sĩ PTTM đã đệ đơn đòi hỏi Bộ Y tế và Phúc lợi siết chặt quy định, trong đó yêu cầu bác sĩ phải nêu rõ ai là người đứng mổ, đồng thời lắp đặt camera an ninh trong các cơ sở phẫu thuật.

Các nhóm cộng đồng cũng bắt đầu cảnh giác hơn với nạn bác sĩ ma, trong khi Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Hàn Quốc thành lập đội chuyên biệt đi "săn" các hành vi trái luật này. Năm 2018, án phạt dành cho các bác sĩ thực hành "bác sĩ ma" tăng lên. Nhưng theo một báo cáo năm 2018, hoạt động này vẫn diễn ra hết sức tràn lan.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 12
Các cơ sở thẩm mỹ nhiều như nấm sau mưa tại Seoul, Hàn Quốc

Bác sĩ A giấu tên đã chia sẻ với CNN rằng ông bắt đầu làm việc cho một trong những cơ sở PTTM lớn nhất xứ sở kim chi vào năm 2012. Dù đã nghỉ việc, nhưng ông vẫn quyết định lên tiếng vì không muốn cả đời sống trong tội lỗi.

Theo đó, người này thường xuyên được yêu cầu phẫu thuật thay cho bác sĩ chính. Hơn nữa theo mô tả, có hẳn một đội ngũ bác sĩ thay thế trực dưới hầm của cơ sở, đợi đến khi được gọi lên mổ. Những người này không có tên trong danh sách công nhân viên của cơ sở, trong khi quảng cáo thì khẳng định mọi cuộc phẫu thuật đều do một bác sĩ tên tuổi đức cao vọng trọng thực hiện.

Rất nhiều ca phẫu thuật sửa mặt - như trường hợp của Dae-hee - được thực hiện bởi các bác sĩ thay thế, chủ yếu là nha sĩ tại cơ sở nơi vị bác sĩ trên làm việc.

Nhìn thoáng qua, có lẽ ai cũng hiểu rằng hoạt động này được thực hiện vì mục đích hết sức đơn giản: lợi nhuận! Hàn Quốc là đất nước có tỉ lệ PTTM trên dân số cao nhất, theo một báo cáo đăng tải trên Aesthetic Plastic Surgery. Trước dịch Covid-19, mỗi năm có hàng ngàn du khách tới Hàn Quốc để làm phẫu thuật. Riêng tại thủ đô Seoul, có 561 cơ sở PTTM đang hoạt động.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 13

Jo Elfving-Hwan - Phó Giáo sư khoa Hàn Quốc Học tại ĐH Western Australia cho biết, các bác sĩ thẩm mỹ tên tuổi thường sử dụng hình ảnh sao hạng A hoặc idol K-pop để quảng bá cho cơ sở của họ. Nhưng những lúc bận rộn, họ sẽ không thể xử lý quá nhiều bệnh nhân được, trong khi phải luôn để trống lịch để đáp ứng các khách hàng mới. "Đó là khi bác sĩ ma sẽ xuất hiện" - Elfving-Hwan cho biết.

"Bác sĩ ma" là cách để các cơ sở PTTM tối đa lợi nhuận, thông qua việc sử dụng một bác sĩ khác thay thế cho bác sĩ chính của họ, kể cả khi hành động này là bất hợp pháp. "Lý do hoạt động này tồn tại là vì các bác sĩ trẻ sẽ có việc làm và thêm kinh nghiệm, trong khi cơ sở chỉ tốn một ít tiền" - trích lời bác sĩ A. "Nhờ vậy, các cơ sở có thể xử lý nhiều ca hơn, và có nhiều tiền hơn."

Không phải mọi ca phẫu thuật của "bác sĩ ma" đều có cái kết đáng sợ, nhưng giữa giai đoạn 2016 - 2020, đã có 226 trường hợp bị tổn thương, gặp biến chứng cần phẫu thuật lại, hoặc thậm chí chết khi đang PTTM (số liệu do Cơ quan Tiêu dùng Hàn Quốc cung cấp). Số người tử vong liên quan đến PTTM bao gồm du khách nước ngoài, trong đó có cả trường hợp là người thừa kế tập đoàn tại Hong Kong (Trung Quốc).

Bệnh nhân thường sẽ không hay biết ca phẫu thuật được thực hiện bởi bác sĩ ma. Ghi chép về sự xuất hiện của bác sĩ ma cũng không tồn tại, trong khi nhiều phòng phẫu thuật không lắp camera. Theo Park Ho-kyun, luật sư đại diện cho gia đình Kwon, điều này khiến hành vi phạm tội trở nên khó để chứng minh.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 14

Trong trường hợp bệnh nhân biết, họ cũng ngần ngại phản đối vì xấu hổ. Và trong trường hợp bệnh nhân quyết định kiện, các sự vụ thường sẽ được giải quyết êm đẹp bên ngoài tòa án, trong đó bệnh nhân sẽ ký hợp đồng giữ im lặng nếu nhận được một khoản bồi thường lớn.

Không rõ đã có bao nhiêu trường hợp kiện ra tòa vì không có thống kê. Nhưng nếu đưa ra xét xử, Bộ Y tế và Phúc lợi có thể đình chỉ hoạt động đối với bác sĩ liên quan. Giai đoạn 2015 - 2019, tổng cộng có 28 biên bản hành chính được lập ra liên quan đến các bác sĩ ma - theo số liệu từ văn phòng luật sư Kwon Chil-seung. 5 người bị thu giấy phép, số còn lại bị tạm thời treo bằng.

Cũng theo luật sư Chil-seung, một trường hợp bác sĩ cho y tá thực hiện phẫu thuật cắt mí hoặc nâng mũi ít nhất 90 lần chỉ phải nhận bản án 3 tháng tù giam. Một trường hợp khác chỉ định y tá và một nhân viên cung cấp vật tư thực hiện phẫu thuật đĩa đệm cột sống cho bệnh nhân cũng chỉ bị treo bằng 3 tháng mà thôi.

"Do việc bác sĩ ma diễn ra kín đáo, rất khó xác nhận số liệu chính xác về thực trạng này" - trích lời Phó Giám đốc Bộ Y tế Park Jae-woo.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 15

Dẫu vậy, gia đình Kwon vẫn mong mỏi đi tìm công lý. Họ đệ đơn kiện, cáo buộc cơ sở thẩm mỹ đã thờ ơ, không giải thích sự nguy hiểm của thủ thuật và cũng không cố gắng cứu bệnh nhân. Tháng 5/2019, gia đình Kwon được xử thắng kiện, với khoản bồi thường tới 430 triệu won (tương đương hơn 8,7 tỉ đồng) dựa trên mức thu nhập giả định nếu Kwon còn sống, anh có thể làm việc tới 65 tuổi.

3 bác sĩ liên quan đến sự vụ của Kwon đang phải đối mặt với án ngộ sát, trong đó 2 bác sĩ và 1 phụ tá phải chịu trách nhiệm vì hành nghề không giấy phép. Bác sĩ còn lại bị buộc tội vi phạm quy định y tế khi quảng cáo sai sự thật. 

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 16

Kể từ khi mất con, ngày qua ngày, bà Lee ngồi trước tòa thị chính màu xám tro ở Seoul. Vợ chồng bà chuyển đến sống tại Seoul để tiện đấu tranh giành công lý, và trở thành cái tên tiêu biểu trong việc kêu gọi sự thay đổi của cả ngành công nghiệp tỉ đô.

Mỗi ngày, bà đều cầm tấm biển yêu cầu nhà chức trách ban hành lệnh bắt buộc lắp camera trong phòng phẫu thuật - được biết đến với tên gọi: "Sắc lệnh Kwon Dae-hee".

"Tôi sẽ không bao giờ biết được sự thật nếu không có camera lắp trong phòng phẫu thuật" - bà Lee cho biết. Bà đồng thời cũng đề nghị nâng hình phạt dành cho các bác sĩ thực hiện hoạt động này, từ việc bị tước giấy phép vĩnh viễn cho đến các tội danh như giết người hoặc ngộ sát.

Cuộc đấu tranh của bà Lee dần mang đến sự thay đổi. Năm 2018, tỉnh Gyeonggi trở thành nơi đầu tiên yêu cầu lắp camera trong mọi phòng phẫu thuật công. Thống đốc Lee Jae-myung còn muốn mô hình này được áp dụng trên toàn quốc, nhằm ngăn ngừa nạn bác sĩ ma và chặn đứng các hành vi phi đạo đức trong ngành y, bao gồm việc tấn công tình dục các bệnh nhân bị gây mê. 

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 17

Một số bác sĩ phản bác dự luật này, vì họ cảm thấy khó làm việc thoải mái khi biết mình đang bị theo dõi. Hơn nữa, việc lắp camera có thể khiến niềm tin của bệnh nhân mất đi, thay vì củng cố nó. Hiệp hội Y tế Hàn Quốc cũng đứng ra công khai phản đối, cho rằng như vậy là xâm phạm quyền riêng tư và khiến các bác sĩ mất tập trung khi phẫu thuật.

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 18

'Bác sĩ ma' tại Hàn Quốc: Thực tế đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm của ngành công nghiệp thẩm mỹ tỉ đô xứ sở kim chi - 19
Camera được lắp đặt trong phòng phẫu thuật tại Hàn Quốc

Nhưng cùng với đó là sự ủng hộ. Kim Seon-woong đã lập một kênh YouTube mang tên Dr Vendetta, trong đó vạch trần thực trạng bác sĩ ma của Hàn Quốc. Bản kiến nghị lên Nhà Xanh do ông khởi xướng cũng thu được 50.000 chữ ký, phần lớn là từ người trẻ.

"Một ngày nào đó tôi có thể trở thành nạn nhân, nên tôi rất quan tâm đến vấn đề này" - Choi Jae-hoon, một thanh niên ngoài 20 công khai ủng hộ vụ án Kwon Dae-hee cho biết, đồng thời khẳng định đó là mối lo dành cho toàn ngành y tế, chứ không riêng gì PTTM.

"Tôi muốn thể hiện sự ủng hộ cho Kwon để đất nước ngày một tốt hơn, khi loại bỏ được các sai phạm trong hệ thống y tế" - Jeong Seoung-eun, người ủng hộ gia đình Kwon suốt từ tháng 2/2020 cho biết.

Theo J.D - Tiêng Tiêng (Pháp Luật & Bạn Đọc)

Nổi bật