Trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience, nhóm nghiên cứu Mỹ - Trung Quốc dẫn đầu bởi Đại học Texas ở Austin (UT Austin - Mỹ) chỉ ra rằng Trái Đất đang nuốt dần những mảng lớn vật liệu bên dưới Bắc Mỹ.
Thủ phạm gây ra sự kiện này là một lớp vỏ Trái Đất cổ đại đang ẩn mình bên dưới vùng Trung Tây nước Mỹ.
Như nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy, vỏ Trái Đất thực ra gồm trên dưới 20 mảng lớn nhỏ liên tục di chuyển, trượt đè lên nhau, chui xuống lòng đất rồi lại được tái chế, trồi lên trên... trong một quá trình gọi là kiến tạo mảng.
Điều kéo theo sự chuyển dịch của các lục địa và đại dương bên trên, khiến Trái Đất liên tục thay đổi diện mạo, đôi khi hình thành các siêu lục địa và siêu đại dương, đôi khi tách ra thành 6 châu lục và 5 đại dương như ngày nay.
Đó là các quá trình rất chậm rãi. Để chứng kiến một lục địa tách ra hay hợp nhất với một phần lục địa khác, cần ít nhất hàng trăm triệu năm.
Nhưng những thay đổi tinh vi hơn vẫn có thể được nhận thấy thông qua nghiên cứu sóng địa chấn. Bản đồ địa chấn khu vực Bắc Mỹ giờ đây đã tiết lộ lục địa này đang bị hút xuống.
Theo Live Science, nghiên cứu mới cho thấy lực kéo từ lớp vỏ cổ đại đã hút lớp vỏ hiện đại bên trên xuống, tạo thành các cấu trúc hình giọt nước khổng lồ treo từ mặt dưới của lục địa xuống sâu khoảng 640 km bên trong lớp phủ.
Những "giọt nước" này nằm bên dưới một khu vực trải dài từ bang Michigan đến bang Nebraska và bang Alabama của Mỹ, nhưng sự hiện diện của chúng dường như đang tác động đến toàn bộ lục địa.
Khu vực nhỏ giọt trông giống như một cái phễu lớn, với những tảng đá từ khắp Bắc Mỹ bị kéo về phía nó theo chiều ngang trước khi bị hút xuống.
Kết quả là phần lớn Bắc Mỹ đang mất vật liệu từ mặt dưới của lớp vỏ.
Mảng vỏ cổ đại gây ra hiện tượng này là mảng kiến tạo Farallon. Trong quá khứ, mảng Farallon và mảng Bắc Mỹ từng tạo thành một đới hút chìm dọc theo bờ biển phía Tây của lục địa.
Theo thời gian, mảng Farallon trượt xuống dưới mảng Bắc Mỹ, rồi bị vỡ do sự tiến lên của mảng Thái Bình Dương cách đây khoảng 20 triệu năm. Cuối cùng, các phần còn lại bị hút chìm bên dưới mảng Bắc Mỹ trôi đi chậm rãi.
Việc "nhỏ giọt" bên dưới vùng Trung Tây sẽ không sớm dẫn đến những thay đổi trên bề mặt, thậm chí có thể dừng lại khi mảng Farallon chìm sâu hơn vào lớp phủ dưới và ảnh hưởng của nó suy yếu.
Nhưng phát hiện này có thể giúp các nhà nghiên cứu ghép lại bức tranh về cách Trái Đất hình thành nên diện mạo như ngày nay.
Theo Anh Thư (Nld.com.vn)