Bắc Kinh nói không ép Thái Lan trục xuất Hoàng Chi Phong

11/10/2016 09:44:00

Cho đến giờ, câu hỏi ai đứng sau quyết định trục xuất nhà hoạt động trẻ tuổi của Hong Kong vẫn còn bị bỏ ngỏ khi cả phía Trung Quốc lẫn Thái Lan đều tuyên bố "vô can".

Cho đến giờ, câu hỏi ai đứng sau quyết định trục xuất nhà hoạt động trẻ tuổi của Hong Kong vẫn còn bị bỏ ngỏ khi cả phía Trung Quốc lẫn Thái Lan đều tuyên bố "vô can".

Hoàng Chi Phong về đến sân bay Hong Kong chiều 5-10 và trình giấy bị Thái Lan trục xuất với giới truyền thông quốc tế - Ảnh: Reuters

Báo Bangkok Post sáng nay (11-10) đặt tựa “Trung Quốc nói không gây áp lực về chuyện cấm Hoàng Chi Phong”. Tờ nhật báo tiếng Anh của Thái Lan dẫn lời thứ trưởng Ngoại giao Trung quốc Li Baodong (Lý Bảo Đông) cho biết chính quyền Bangkok đã tự làm việc đó.

Hôm 5-10, Hoàng Chi Phong bị tạm giữ tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok khi đến Thái Lan theo lời mời của một nhà hoạt động sinh viên Thái Lan Netiwit Chotipatpaisal để kỷ niệm vụ thảm sát các sinh viên năm 1976.

Sau khi bị giữ tại sân bay, Hoàng Chi Phong đã bị trục xuất về lại Hong Kong ngay trong ngày. Giới truyền thông khi đó đưa tin chính quyền Bangkok bị Bắc Kinh gây áp lực để trục xuất nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi của Hong Kong.

Ngày 10-10, khi được hỏi về vụ này, thứ trưởng Ngoại giao họ Lý khẳng định Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của các nước khác, bất kể đó là nước lớn hay nước nhỏ. 

"Việc không cho phép Hoàng Chi Phong vào lãnh thổ Thái Lan là quyết định của chính phủ Thái Lan thực thi theo qui định và luật xuất nhập cảnh của nước này”, Thứ trưởng Lý Bảo Đông thông tin. 

Hôm 5-10, khi xảy ra vụ việc, nhật báo The Nation của Thái Lan đã hỏi Đại tá cảnh sát Pruthipong Prayoonsiri, phó chỉ huy lực lượng cảnh sát xuất nhập cảnh tại sân bay ở Bangkok, thì được ông này cho biết “Trung Quốc đã gửi yêu cầu hợp tác không cho phép Hoàng Chi Phong vào Thái Lan”.

Nhưng sau đó, Đại tá Pruthipong lại khẳng định qua phương tiện truyền thông rằng ông không hề nói gì với báo The Nation và không biết liệu Hoàng Chi Phong có nằm trong danh sách đen bị cấm nhập cảnh của Thái Lan hay không. Ông cũng không cung cấp thông tin gì thêm sau đó.

Trong khi đó hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho rằng chuyện trục xuất Hoàng Chi Phong là “chuyện của Trung Quốc, không phải của Thái Lan”. 

Hôm 10-10, bộ Ngoại giao Trung quốc cho biết phó Chủ tịch Li Yuanchao (Lý Nguyên Triều) đã gặp Thủ tướng Prayuth của Thái Lan hôm 9-10 tại thủ đô Bangkok.

Theo phía Trung Quốc, tại cuộc gặp này, phó Chủ tịch Lý bày tỏ hi vọng hai nước tăng cường hợp tác về các vấn đề chính và “góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định cho hai nước và khu vực”.

Hôm 5-10, khi trở về lại Hong Kong, nhà hoạt động dân chủ 19 tuổi Hoàng Chi Phong đã kể lại chi tiết vụ tạm giữ với giới truyền thông quốc tế.

"Tôi đến sân bay Bangkok khoảng 1g sáng (ngày 5-10), ngay lập tức khoảng 20 cảnh sát và nhân viên bộ phận nhập cư ập đến thu giữ hộ chiếu của tôi". Hoàng Chi Phong cho biết đã bị tạm giữ tại đồn cảnh sát sân bay Bangkok khoảng 12 giờ và không được phép liên lạc với gia đình hoặc luật sư.

"Khi tôi hỏi lý do giam giữ tôi, họ chỉ nói rằng họ sẽ không giải thích gì thêm với tôi vì tôi đã nằm sẵn trong danh sách đen của họ rồi" - Hoàng Chi Phong nói thêm.

Nhà hoạt động sinh viên Thái Lan Netiwit Chotipatpaisal, người đã mời Hoàng Chi Phong đến Bangkok cho sự kiện kỷ niệm vào ngày 6-10 tại ĐH Chulalongkorn, cho biết cảnh sát có nói với ông về một "lá thư gửi từ chính phủ Trung Quốc cho chính phủ Thái Lan liên quan đến Phong".

Bắc Kinh nói không ép Thái Lan trục xuất Hoàng Chi Phong
Sinh viên Thái Lan cầm dù tụ tập biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok ngày 5-10 khi hay tin Hoàng Chi Phong bị tạm giữ ở sân bay - Ảnh: Reuters

Sang ngày 6-10, các sinh viên ĐH Chulalongkorn vẫn tổ chức lễ kỷ niệm vì dân chủ tại Bangkok và nói chuyện qua màn hình với Hoàng Chi Phong từ Hong Kong.

Tuy nhiên, lúc đó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Sansern Kaewkamnerd đã khẳng định: "Không có chỉ thị hay lệnh nào liên quan đến Hoàng Chi Phong".

"Ông Phong đã có những hoạt động tích cực trong các phong trào chống đối chống lại chính phủ các nước khác và nếu những hành động tương tự như vậy xảy ra tại Thái Lan, chúng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Thái Lan và các quốc gia khác" - phát ngôn viên Kaewkamnerd nói thêm.

Chuyên gia chính trị Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế (ISIS) tại ĐH Chulalongkorn nhận định rằng việc trục xuất Hoàng Chi Phong là "phản tác dụng vì vụ việc sẽ thu hút sự chú ý của toàn thế giới cũng như gởi đi tín hiệu không chào đón của chính phủ Thái Lan".

Theo Nguyễn Quân (Tuổi Trẻ)