Bắc Kinh "hớ" vì trò hề mang tên "đẩy láng giềng đi" của Hoàn Cầu

29/12/2015 10:46:43

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mới đây đã mở ra chương trình bình chọn cuối năm, cho phép độc giả "đóng vai Thượng đế" và... xếp lại bản đồ thế giới theo cách mà họ muốn.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mới đây đã mở ra chương trình bình chọn cuối năm, cho phép độc giả "đóng vai Thượng đế" và... xếp lại bản đồ thế giới theo cách mà họ muốn.

Chương trình bình chọn "Làm Thượng đế 1 lần" của Thời báo Hoàn Cầu với khẩu hiệu "Bạn sẽ đưa những quốc gia nào tới làm láng giềng của Trung Quốc" (Ảnh chụp màn hình)

Hoàn Cầu đưa ra 3 câu hỏi, bao gồm: Độc giả muốn gì ở 1 nước láng giềng? Độc giả hy vọng các nước láng giềng nào phải "chuyển đi" hoặc được "giữ lại" bên cạnh Trung Quốc? Độc giả muốn quốc gia nào trở thành láng giềng với Trung Quốc?

Mặc dù giới thiệu và rào đón rằng đây chỉ là trò chơi cuối năm, nhưng trên thực tế kết quả cuộc bình chọn trên tờ báo "diều hâu" nổi tiếng Trung Quốc này lại thể hiện nhiều điều về quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với các nước trong khu vực.

Kết quả bình chọn sơ bộ tính đến 21h00 (28/12, giờ địa phương) cho thấy, 5.2% người bình chọn trên Hoàn Cầu - tương đương 5.861 lượt bình chọn - muốn Nhật Bản phải "chuyển đi" xa Trung Quốc.

Xếp sau đó là Philippines (4.7%), Việt Nam (4.4%) và Triều Tiên (4.2%).

Một câu hỏi trong chương trình bình chọn cuối năm của Hoàn Cầu, yêu cầu độc giả làm "Thượng đế" và "bắt láng giềng ra đi, hoặc giữ lại" (Ảnh chụp màn hình)

Trao đổi với chúng tôi về "trò chơi" mang nhiều màu sắc chính trị này, chuyên gia Kiều Tỉnh, nguyên Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh và Hồng Kông, đánh giá kết quả trên không có gì đáng ngạc nhiên.

Ông Kiều Tỉnh chỉ ra: "Thời báo Hoàn Cầu là tờ báo do báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo chủ quản, là tiếng nói chính thống của phía Trung Quốc.

Do đó, quan điểm của tờ báo và độc giả của nó có thể đại diện cho Trung Quốc, cụ thể có nhiều khả năng là giới quân sự hiếu chiến ở Trung Quốc.

Với cuộc bình chọn 'đẩy láng giềng đi' như thế này, họ cũng sẽ thăm dò một số nhóm đối tượng nhất định mà thể hiện quan điểm theo hướng của Bắc Kinh."

Theo ông, trên thực tế phần lớn giới quân sự Trung Quốc coi Nhật Bản là đối thủ hàng đầu "như một truyền thống", tiếp đó là nhóm 4 nước ASEAN mà bộ phận 'diều hâu' này tuyên bố là chống Trung Quốc mạnh nhất, trong đó có Philippines và Việt Nam.

"Hồi năm ngoái, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam thì giới quân sự nước này cũng có cuộc thăm dò ý kiến và lớn tiếng rằng nếu xảy ra xung đột vũ trang thì cần đối phó với Việt Nam trước tiên.

Do đó, đối với kết quả bình chọn (sơ bộ) của Thời báo Hoàn Cầu như vậy thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên," ông Kiều Tỉnh bình luận.

5.2% người bình chọn trên Hoàn Cầu muốn Nhật Bản "ra đi"

Tương tự, ông Kiều Tỉnh khẳng định tỉ lệ độc giả Hoàn Cầu muốn Triều Tiên "ra đi" khá cao phản ánh tình trạng "cơm không lành,canh không ngọt" trong quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng thời gian gần đây.

Căng thẳng Trung-Triều tưởng như có dấu hiệu dịu lại đã bất ngờ leo thang sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố "sẵn sàng dùng bom khinh khí bảo vệ an ninh và tôn nghiêm quốc gia".

Đồng thời ban nhạc nữ Triều Tiên Moranbong thẳng thừng hủy diễn ở Trung Quốc và ra thẳng sân bay về Triều Tiên hôm 12/12.

Bên cạnh đó, thông tin cho rằng Bình Nhưỡng tiến hành các hoạt động điều tra nhằm vào Hoa kiều cũng khiến truyền thông và dư luận Trung Quốc nghi ngại, bất chấp Bộ ngoại giao nước này khẳng định "không có chuyện đó".

Điều nực cười là, lãnh đạo Trung Quốc, từ Chủ tịch Tập Cận Bình tới Thủ tướng Lý Khắc Cường, khi nói về ngoại giao láng giềng đều hết lời tuyên bố hữu hảo.

Ông Tập Cận Bình từng nhấn mạnh phương châm quan hệ với các nước châu Á là “đối thoại, tin cậy, hợp tác” theo tinh thần 4 chữ “Thân, Thành, Huệ, Dung”, tức thân thiện, chân thành, có lợi, bao dung.

Ông Lý Khắc Cường thì đề cao: "Ngoại giao láng giềng là hàng đầu...".

Thế nhưng, cái cách Hoàn Cầu bày ra trò hề "lấy ý kiến độc giả" này, cũng như kết quả sơ bộ của nó, khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về việc, có thật sự Trung Quốc muốn "bỏ ngàn vàng mua láng giềng" như lãnh đạo của họ vẫn nói không.

Trưng cầu ý kiến tình cờ lộ "mảng tối" quan hệ Nga-Trung

Cũng trong chương trình trưng cầu ý kiến của Hoàn Cầu, một điểm đáng chú ý là tỉ lệ người bình chọn Nga "ra đi" nhỉnh hơn tỉ lệ "giữ lại", 2.6% so với 2.5%.

Nhìn bề ngoài, điều này dường như trái ngược với tình trạng quan hệ tốt đẹp mà Bắc Kinh và Moscow thường tuyên bố trước phương Tây trong 2 năm qua, kể từ khi Nga "ngả" về Trung Quốc do bị phương Tây cấm vận.

Tuy nhiên, ông Kiều Tỉnh khẳng định đây là mối quan hệ "trên nóng dưới lạnh".

"Thực tế người Trung Quốc có câu nói: 'Quan hệ Trung-Nga, trên nóng dưới lạnh'.

Các học giả Trung Quốc đánh giá, lãnh đạo cấp cao Nga và Trung Quốc luôn tuyên bố rất hữu nghị và tốt đẹp, nhưng các quan chức đôi bên thì lại hết sức thờ ơ, lạnh nhạt với phát biểu ngoại giao của lãnh đạo.

Thậm chí, các quan chức Nga-Trung rất thường xuyên nghi ngờ nhau, và các bài báo của 2 nước đều đề cập."

Kết quả tương đối bất ngờ khi tỉ lệ người bình chọn muốn Nga "ra đi" nhỉnh hơn số người muốn Moscow tiếp tục làm láng giềng

Ông cho hay, báo Trung Quốc từng viết rằng “đối với Nga, chúng ta phải luôn luôn giữ khoảng cách, bất chấp quan hệ song phương có tốt đẹp đến mấy thì cũng không giải quyết được vấn đề cốt yếu của Trung Quốc”.

Còn phía Nga tin rằng Trung Quốc chỉ có thể là “mục tiêu tạm thời”, nhưng nếu xem Bắc Kinh như một người bạn lâu dài, chỗ dựa hay liên minh, thì chỉ có đưa Nga vào “ngõ cụt”.

"Kể từ thời Pier Đại đế đến nay, Nga chưa bao giờ xem Trung Quốc là một người bạn chiến lược," ông Kiều Tỉnh kết luận.

Trong khi đó, cũng theo kết quả bình chọn trên Hoàn Cầu tính đến tối 28/12, quốc gia mà độc giả tờ này "muốn đưa về cạnh Trung Quốc nhất" là New Zealand với 6.1% người lựa chọn, sau đó là Thụy Điển với 6%.

Kết quả này cũng phù hợp với các tiêu chí được những người tham gia đánh giá cao nhất ở 1 quốc gia như "thân với Trung Quốc", "có thể sử dụng đồng NDT", "miễn thị thực"...

Theo Hải Võ (Thế Giới Trẻ/Infonet.vn)