Cơ quan chức năng cho biết ba đối tượng vừa bị kết án thuộc đường dây bóc lột lao động như nô lệ thời hiện đại tinh vi nhất từng bị phanh phui ở Anh, Independent đưa tin.
Thu Huong Nguyen hay còn gọi là Jenny, 48 tuổi, bị kết án 5 năm tù vì các tội thông đồng vận chuyển người để bóc lột lao động và ép buộc các nạn nhân là các em gái vị thành niên làm việc trong điều kiện tồi tệ tại tiệm làm móng.
Hai người khác là một cặp vợ chồng ở thị trấn Burton-on-Trent, cách thủ đô London gần 300 km về hướng nam. Viet Hoang Nguyen, tên tiếng Anh là Ken, 29 tuổi, lĩnh án 4 năm tù và vợ là Giang Huong Tran, còn có tên Susan, 23 tuổi, bị kết án treo hai năm. Cả hai đều bị cáo buộc tội thông đồng vận chuyển và cưỡng bức lao động.
Thẩm phán tại phiên tòa ngày 2/1 tuyên bố ba bị cáo "thủ đoạn và gian manh", đối xử với các nạn nhân như những món hàng và bóc lột họ "hoàn toàn vì lòng tham tiền bạc".
Cơ quan điều tra tin rằng tiệm làm móng chỉ là một phần công cụ của các băng nhóm dùng để rửa tiền "bẩn" thu từ trang trại trồng cần sa và các hoạt động tội phạm khác ở Anh.
Vào tháng 2 năm 2016, cảnh sát lục soát tiệm làm móng Nail Bar Deluxe của Jenny ở thành phố Bath, cách London 200 km về hướng đông và tìm thấy 60.000 bảng (78.000 USD) được giấu trong một con thỏ nhồi bông. Trước tòa, đối tượng không thể trình bày được nguồn gốc của số tiền này.
Cũng trong cuộc bố ráp đó, cảnh sát lấy lời khai của một số nạn nhân. Theo đó, một cô bé người Việt Nam cho biết đã đến Anh qua biên giới với Pháp bằng cách "ngồi đằng sau một chiếc xe tải chứa đầy thùng giấy". Sau khi vào Anh, các nạn nhân được chở tới nhiều tiệm làm móng khác nhau ở Cheltenham, Burton-on-Trent, Gloucester và Derbyshire.
Ban đầu các em không nhận thức được tình trạng bị bóc lột và tin rằng đối tượng Jenny "đối xử tốt và chăm sóc cho chúng", một thanh tra cho biết.
"Bọn trẻ không được đi học, rào cản ngôn ngữ rất lớn. Chúng sống xa gia đình, làm việc không công và phụ thuộc vào những kẻ kiểm soát chúng", thanh tra Tucker, lãnh đạo chiến dịch triệt phá đường dây buôn người của sở cảnh sát Avon và Somerset, cho biết.
Thanh tra Clair Langley thuộc sở cảnh sát Staffordshire nhận định cách thức các nạn nhân bị bóc lột và tốc độ các em bị luân chuyển khắp nước Anh cho thấy mức độ tinh vi của nhóm tội phạm này. Bà hy vọng cuộc truy tố thành công đầu tiên đối với nạn bóc lột lao động và buôn bán trẻ em sẽ gửi ra một thông điệp rõ ràng rằng nước Anh không dung thứ loại tội phạm này và sẽ đưa những kẻ thủ ác ra tòa.
"Ở Anh, các tiệm làm móng của người Việt là một vấn đề lớn. Không chỉ là điểm tiếp nhận những phụ nữ là nạn nhân của bọn buôn người, các tiệm làm móng này còn là mặt tiền của các hệ thống tội phạm lớn hơn: ban ngày làm móng, ban đêm là nhà thổ. Và đôi khi các tiệm này còn dính líu đến mạng lưới ma túy, đặc biệt là các trang trại trồng cần sa trên khắp nước Anh, trong vai trò một cỗ máy rửa tiền", chuyên gia Jakub Sobik, thuộc tổ chức chống nạn nô lệ quốc tế, cho biết.
"Các băng nhóm gốc Việt dường như nắm giữ thị phần lớn trên thị trường cần sa Anh. Bọn chúng thường xuyên chuyển lậu người Việt sang Anh để làm việc cho chúng, thường là trẻ em dưới 18 tuổi".
Trong báo cáo đánh giá về hoạt động tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức công bố vào năm 2017, cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh nhận định quy mô thật sự của vấn nạn nô lệ hiện đại có xu hướng tăng theo từng năm và sẽ còn kéo dài. Báo cáo này cho biết kể từ năm 2009 tới 2016, giới chức Anh ghi nhận 1.747 trường hợp mang quốc tịch Việt Nam bị coi là nạn nhân của hoạt động buôn người.
Theo An Hồng (VnExpress.net)