Bé gái bị mưng mủ ở trán và phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Khoa tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), sau khi bà ngoại dùng phương pháp cạo gió chữa bệnh cho cháu, theo trang tin rednet.cn.
Cạo gió là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong dân gian, người dân thường sử dụng lược, thìa hoặc đồng xu để cạo lên da người bệnh và tạo ra đốm xuất huyết. Phương pháp này được cho là giúp lưu thông khí huyết và giải độc. Sau khi cạo gió, da người bệnh thường có vết thâm hoặc đỏ, cho thấy phương pháp đã phát huy tác dụng. Thông thường, các vết thâm hoặc tấy đỏ sẽ tự biến mất sau vài ngày.
Nếu người bệnh không có vết thâm, tấy đỏ sau khi cạo gió, y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng người bệnh sức yếu, lưu thông máu chậm, hệ miễn dịch yếu hoặc béo phì.
Để cạo gió cho cháu, người phụ nữ đã dùng nhẫn bạc nhúng lòng trắng trứng và chà xát lên trán bé gái, hy vọng sẽ chữa khỏi bệnh ho. Trước đó, bé gái từng phải điều trị ở bệnh viện trong 9 ngày. Tuy vậy sau khi xuất viện, bé bị sốt không hạ nhiệt, theo mẹ cháu bé.
"Mẹ tôi nói, 'Để thử cạo gió cho cháu xem sao'. Tuy vậy bà ấy cạo quá mạnh khiến da con tôi bị tổn thương", mẹ của bé gái kể lại. Bé gái sau đó được mẹ đưa trở lại bệnh viện.
"Khi cháu bé tới bệnh viện, vùng trán của cháu bị nổi mẩn, rõ ràng do cạo gió. Một phần da đã mưng mủ," bác sĩ tại bệnh viện cho hay.
Tin tức về sự việc thu hút hơn 300 triệu lượt xem trên Weibo. Nhiều người tỏ ra thông cảm cho bé gái.
"Phương pháp này chỉ nên được các bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc thực hiện. Theo kinh nghiệm của tôi và theo kiến thức thông thường, tốt nhất không nên cạo gió cho trẻ em còn nhỏ như vậy," một người dùng Weibo bình luận.
Tháng trước, một người phụ nữ ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) bôi dầu nấu từ chuột cho cháu trai để chữa bỏng. Bé trai sau đó bị nhiễm trùng nặng, phải điều trị tích cực tại bệnh viện.
Hà An (Nguoiduatin.vn)