Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào?

03/10/2021 08:08:23

Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, Đức từng nổi tiếng là “gã ốm yếu của châu Âu” nhưng hiện nó  đã trở thành nền kinh tế lớn nhất và thành công nhất châu lục này. 

 

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào?
Dưới thời Thủ tướng Merkel, Đức từ “gã ốm yếu” trở thành siêu cường 

Theo CNBC, nền kinh tế của Đức đã phát triển mạnh trong suốt 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Angela Merkel. Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, ¼ hay 24,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên minh châu Âu (EU) là do Đức tạo ra, theo Eurostat. 

Theo một số chuyên gia chính trị, những biểu đồ do CNBC lập ra về tình hình kinh tế, xã hội của Đức dưới đây cho thấy di sản của bà Merkel không chỉ là sự thịnh vượng mà còn có những cơ hội bị bỏ lỡ, các sai lầm.

Tổng sản phẩm quốc nội

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào? - 1
So sánh GDP của Đức với Pháp và Anh

Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức, từng dựa chủ yếu vào sản xuất, đã phát triển ổn định trong thời gian bà Merkel nắm quyền. Biểu đồ cho thấy, kinh tế Đức vượt xa các đối thủ của nước này là Anh và Pháp. 

Khi bà Merkel lên nắm quyền vào năm 2005, kinh tế Đức vừa trải qua một đợt suy thoái hai năm trước. Năm bà Merkel lên làm Thủ tướng Đức, GDP của Đức là 2,3 nghìn tỷ Euro và năm 2020 là hơn 3,3 nghìn tỷ Euro, dữ liệu của văn phòng thống kê liên bang của Đức cho thấy. 

Tỷ lệ thất nghiệp

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào? - 2

Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức đã sụt giảm trong thời gian bà Merkel làm Thủ tướng, từ 11,1% năm 2005 xuống còn 3,8% năm 2020, dữ liệu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy. 

Đức là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở châu Âu. Theo dữ liệu của Eurostat, tháng 7/2021, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức là 3,6% còn với những người dưới 25 tuổi tỷ lệ này cao hơn, 7,5%. 

Sau khi phân tích, đánh giá di sản của bà Merkel, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs lưu ý rằng trong khi bà Merkel đã thành công lớn trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp nhưng phần lớn sự thành công này lại bắt nguồn từ các cuộc cải cách của người tiền nhiệm. 

Nhập cư

Có một lĩnh vực mà Đức khác biệt hoàn toàn so với Pháp và Anh là bối cảnh nhập cư của Đức dưới thời bà Merkel. Có lẽ đây là lĩnh vực mà bà đối mặt với sự khen ngợi lẫn gây tranh cãi khi nắm quyền Thủ tướng Đức.

 

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào? - 3

Vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu 2014-2015, hàng trăm nghìn người đã vào EU, nhiều người trong số đó là chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Syria. Tranh cãi trong khối EU đã nổ ra về việc làm thế nào để phân chia công bằng số người xin tị nạn cho các nước thành viên. Vào thời điểm đó, các nước Đông Âu phần lớn từ chối tiếp nhận người di cư và đã đóng cửa biên giới. 

Khi đó, bà Merkel đã đưa ra những quyết định táo bạo. Bà quyết định mở cửa biên giới Đức và cho phép hơn 1 triệu người tị nạn và di cư vào Đức năm 2015. Động thái này được phản ánh trong biểu đồ dưới đây. Dữ liệu nhập cư của Eurostat bắt đầu được xây dựng vào năm 2008. 

Chính sách về di cư của bà Merkel trong thời điểm này được coi là chất xúc tác để các cử tri thiên hữu đổ xô đi ủng hộ đảng chống nhập cư. Tuy nhiên, năm 2021, tỷ lệ phiếu bầu của đảng này lại giảm dần. 

Thu nhập khả dụng

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào? - 4

Thu nhập khả dụng hay thu nhập sau khi nộp thuế của hộ gia đình tại Đức cũng tăng đều đặn. Khi bà Merkel lên nắm quyền Thủ tướng Đức vào năm 2005, mức thu nhập của các hộ gia đình ở Đức, Anh và Pháp không quá chênh lệch song theo thời gian, khoảng cách ngày càng tăng và Đức vọt hẳn về phía trước. 

Ở Đức, tổng thu nhập khả dụng của hộ gia đình trên đầu người là 30.142 Euro vào năm 2019. Trong khi đó, ở Anh là 25.155 Euro và ở Pháp là 26.158 Euro, theo dữ liệu của Eurostat. 

Đầu tư công

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào? - 5
Dưới thời Merkel, Đức từ “gã ốm yếu” trở thành siêu cường ra sao?

Chính phủ của Thủ tướng Merkel từng bị chỉ trích mạnh về việc bỏ bê chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đầu tư vì họ không muốn vay tiền và làm rối tung những quy định chặt chẽ để giữ cho ngân sách cân bằng. Cơ sở hạ tầng ở Đức xuống cấp được cho là do thiếu chi tiêu và chính phủ cũng bị chỉ trích mạnh về việc giảm vay và chi tiêu vào thời điểm mà nước này có thể vay tiền với lãi suất thấp. Nhiều người cũng chỉ trích Đức ít chi tiêu và nhu cầu thấp hơn của Đức đã tạo ra sự mất cân bằng trong khu vực đồng Euro. 

Theo các chuyên gia, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là việc mà chính phủ tiếp theo của Đức phải giải quyết. 

Theo Hoài Linh (VietNamNet)

Nổi bật