Những tranh cãi về vụ thảm sát Volyn từ lâu đã trở thành “điểm nóng” gây căng thẳng quan hệ Ba Lan - Ukraine, bất chấp việc Warsaw ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Nga. Ước tính khoảng 40.000 - 100.000 người Ba Lan đã bị tổ chức Quân nổi dậy Ukraine (UPA) hợp tác với Đức quốc xã trong thế chiến thứ hai, sát hại ở các vùng Volyn và Galicia gia đoạn 1943 - 1944.
Vào năm 2016, Quốc hội Ba Lan tuyên bố vụ thảm sát Volyn là một “cuộc diệt chủng”. Dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda cùng tham dự một sự kiện tưởng nhớ các nạn nhân Volyn vào năm 2023, nhưng Kiev cho đến nay vẫn từ chối gọi đây là một vụ diệt chủng, với lí do tội ác như vậy ám chỉ hành động thảm sát do một nhà nước thực hiện, không phải do các đảng phái gây ra.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ba Lan Polsat hôm 23/7, Bộ trưởng Quốc phòng Wladyslaw Kosiniak-Kamysz lưu ý, dù Ba Lan có ý định hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể, nhưng “không phải mọi thứ đều hoàn hảo trong quan hệ song phương do những vấn đề lịch sử chưa được giải quyết”.
“Sẽ không có việc Ukraine gia nhập EU nếu vấn đề Volyn không được giải quyết”, ông Kosiniak-Kamysz nói. Quan chức này nhắc lại rằng, việc Ukraine có được kết nạp vào EU hay không phụ thuộc vào việc Kiev có khai quật hài cốt các nạn nhân của vụ thảm sát Volyn.
Phát biểu trên của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ba Lan đã lặp lại tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski, người từng nhấn mạnh cuối năm ngoái rằng “nếu không có giải pháp cho vấn đề này ... Ukraine không thể mơ tưởng việc tham gia EU”. Ông Jablonski cũng mô tả đó là một điều kiện cho “sự hòa giải lâu dài với Ukraine”.
Ông Zelensky đã hứa sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nỗ lực khai quật vào năm 2019, với các cuộc tìm kiếm được tiếp tục vào cùng năm đó ở khu vực Lviv, phía tây Ukraine sau khi Warsaw đồng ý khôi phục đài tưởng niệm các tay súng UPA trên đất Ba Lan từng bị những phần tử chống đối phá hủy.
Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 2/2022 sau khi xung đột với Nga bùng phát. Nước này đã được cấp tư cách ứng viên tham gia liên minh vào tháng 6 cùng năm. Đến tháng 6/2024, EU đã mở các cuộc đàm phán kết nạp với Kiev, mặc dù khả năng trở thành thành viên của nước này vẫn còn xa vời. Các quan chức ở Brussels yêu cầu Ukraine phải làm nhiều hơn nữa để chống nạn tham nhũng tràn lan và thực hiện một loạt cải cách khác trước khi có thể vào nhóm.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)