Tạp chí quốc phòng IHS Jane's của Anh ngày 5-12 đưa tin hợp đồng trên được nhắc tới trong một thỏa thuận khung được Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ký ngày 28-11 tại Hà Nội.
Theo đó, Ba Lan sẽ cho Việt Nam vay 200 triệu euro (khoảng 237 triệu USD) để đóng 6 tàu tìm kiếm và cứu hộ (SAR). Theo thỏa thuận, 2 tàu SAR đầu tiên sẽ do công ty Cenzin thuộc Tập đoàn vũ khí nhà nước Ba Lan (PGZ) đảm trách. Hai tàu này sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu Remontowa ở Gdańsk.
Bốn tàu tiếp theo sẽ được đóng tại Việt Nam dưới hình thức chuyển giao công nghệ và thiết bị từ Ba Lan. Quá trình đóng tàu tại Việt Nam sẽ có sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Cenzin.
Chi tiết kỹ thuật của các con tàu không được tiết lộ. Thỏa thuận là kết quả của nhiều năm đàm phán giữa Ba Lan với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam.
Trang web của công ty quốc phòng Cenzin đã xác nhận thông tin trên. Theo đó, thời gian thực hiện dự án là 4 năm nhưng có thể rút ngắn hơn, tùy thuộc vào việc các giai đoạn hoàn tất nhanh hay chậm.
Theo Cenzin, trong tháng tới sẽ bắt đầu đàm phán về việc tìm kiếm tài trợ cho dự án. Nếu suôn sẻ, con tàu SAR đầu tiên của Ba Lan cho Việt Nam sẽ được đóng vào đầu năm 2018.
Phía Cenzin khẳng định đây không phải là dự án và hợp đồng đầu tiên của họ tại Việt Nam. Công ty này tự giới thiệu đã phối hợp xây dựng cơ sở nghiên cứu của trường Đại học Hàng hải ở Hải Phòng.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, Việt Nam và Ba Lan đã ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2010. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Hai nước đều có tùy viên quân sự tại đại sứ quán ở mỗi nước.
Trước 6 tàu SAR, Ba Lan đã đóng mới tàu huấn luyện buồm Lê Quý Đôn, tàu huấn luyện hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam. Tàu Lê Quý Đôn về Việt Nam vào tháng 1-2016 sau khi trải qua hành trình hơn 20.000 hải lý từ Ba Lan, băng qua hai đại dương là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, chống chọi với 2 con bão lớn, gió cấp 11 và 4 áp thấp.
Theo Bảo Duy (Tuổi Trẻ)