Theo AP, thông tin về bản án do một quan chức pháp lý xin giấu tên cung cấp. Phiên tòa xét xử bà Suu Kyi được tổ chức kín ở thủ đô Naypyitaw ngày 27/4, không cho phép các đại diện truyền thông, các nhà ngoại giao và công chúng dự khán. Các luật sư biện hộ cho bị cáo cũng bị cấm trao đổi với báo chí.
Người đoạt giải Nobel và là người đứng đầu trong việc phản đối chế độ quân sự của Myanmar đã bị buộc tội với ít nhất 18 tội danh với tổng hình phạt lên đến tối đa là gần 190 năm tù giam, theo Reuters đưa tin hôm 27/4, dẫn đến việc gần như chấm dứt hoàn toàn con đường chính trị của vị nữ lãnh đạo Myanmar này.
Ngoài ra, một nguồn tin giấu tên cho biết thẩm phán ở thủ đô Naypyitaw đã đưa ra phán quyết ngay sau khi tòa triệu tập bà Suu Kyi mà không đưa ra lời giải thích nào.
Phiên tòa xét xử bà Suu Kyi được tổ chức kín ở thủ đô Naypyitaw ngày 27/4, không cho phép các đại diện truyền thông, các nhà ngoại giao và công chúng dự khán. Các luật sư biện hộ cho bị cáo cũng bị cấm trao đổi với báo chí. Tuy nhiên một nguồn tin cho hay bà Suu Kyi, người đã tham dự tất cả các phiên điều trần đã không đồng tình với bản án và tuyên bố sẽ kháng cáo.
Trong vụ án vừa có phán quyết, bà Suu Kyi bị buộc tội đã nhận 600.000 USD và 7 thỏi vàng với khối lượng 11.4kg (402 oz) hối lộ từ Phyo Min Thein, cựu lãnh đạo Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar và cũng là thành viên cấp cao trong đảng chính trị của bà, giai đoạn 2017 - 2018. Bà Suu Kyi, người bị chính quyền quân sự bắt giữ trong vụ đảo chính hồi đầu năm ngoái, đã bác bỏ tất cả các lời khai của ông Thein chống lại mình và gọi đó là những lời "bịa đặt vô lý".
Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết thời kỳ của bà Suu Kyi đã kết thúc. Ông Robertson nói chính quyền hiện tại của Myanmar cùng các phiên tòa thời gian vừa rồi đang cố gắng từng bước để đưa bà Aung San Suu Kyi một bản án tương đương án chung thân khi người phụ nữ này đã bước sang tuổi 76.
Bà Suu Kyi không lộ diện hay được phép trò chuyện trước công chúng kể từ khi bà bị bắt giam ở một địa điểm bí mật. Tuy nhiên, tại phiên xét xử cuối cùng vào tuần trước, bà hầu tòa trong tình trạng sức khỏe có vẻ tốt và yêu cầu những người ủng hộ "đoàn kết".
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính, với các cuộc biểu tình trên toàn quốc và sự giận dữ của người dân khi bị quân đội đàn áp bằng vũ lực. Cộng đồng quốc tế đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền nhà nước quân đội Myanmar và bác bỏ các vụ án xét xử bà Suu Kyi và cho rằng những luận điểm kết tội bà là phi lý.
Bình Minh (Nguoiduatin.vn)