LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!
Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.
Trong số này, mời quý độc giả tìm hiểu về việc tại sao B-52 được lệnh tự do chuyển hướng vẫn rụng như sung trong đêm 26/12 qua bài viết của Đại tá Trần Danh Bảng.
----
Với những bộ óc thực tế của các tướng lĩnh, sĩ quan không quân chiến lược Mỹ, sau những đêm B-52 "vỡ mặt" trước tên lửa VN, người Mỹ đã có những thay đổi rất cụ thể.
Trong đó phải kể đến lệnh cho các phi đoàn B-52: "Bay vào Hà Nội với nhiều độ cao khác nhau, nhiều hướng khác nhau" và "Mỗi khi ném bom xong các máy bay sẽ quay chuyển hướng sau mục tiêu (post-target turns, gọi tắt PTT) một cách tùy nghi".
Kế hoạch rút về hướng tây (post-target turns) trước đây bị loại bỏ… Nhưng chính trong cái đêm "định mệnh" ấy 18 máy bay Mỹ bị tiêu diệt, trong đó có 8 chiếc B-52 (có 4 chiếc rơi tại chỗ).
Vì sao cứ phải dùng B-52
Các tài liệu giải mật của Mỹ cho hay, lý do chính phải dùng B-52 cho chiến dịch thay vì máy bay chiến thuật vì tháng 12 vào mùa mưa tại miền Bắc VN, thời tiết xấu, mù khô, mù ướt gây khó khăn cho các phi cơ chiến thuật vì các máy bay này cần quan sát bằng mắt.
B-52 có khả năng tham chiến dù thời tiết xấu cũng như tốt nên chúng đã được chọn giữ vai trò then chốt cho chiến dịch này.
Chiến dịch này lấy tên Linebacker II được phác họa tại Bộ chỉ huy không quân tại Omaha, Nebraska, vì giới hạn thời gian chỉ có ba ngày, qua kinh nghiệm của chiến dịch Linebacker I (5-1972), họ xác đinh máy bay MiG nghênh chiến sẽ là mối đe dọa cho oanh tạc cơ Mỹ.
Các vị chỉ huy lập kế hoạch cho máy bay tới Hà Nội làm ba đợt vào ban đêm, mỗi đợt cùng đi một đường, cùng cao độ, các oanh tạc cơ B-52 bay theo đội hình ba chiếc để tăng hiệu quả.
Mỗi khi ném bom xong các máy bay sẽ quay về phía tây mà Bộ tham mưu gọi là chuyển hướng sau mục tiêu (post-target turns, gọi tắt PTT),.
Sự chuyển hướng này sẽ có hai hậu quả không thuận lợi cho B-52 là có thể hướng vào gió mạnh ngược chiều, làm giảm tốc độ còn 185 km/giờ khiến kéo dài thêm thời gian lưu lại trên không trong vùng tọa độ lửa, và trở thành bia cho tên lửa SAM-2.
Trong các tài liệu tiếng Anh: Christmas bombing of North Vietnam hay The Christmas bombings,… các học giả người Mỹ viết:
"Sau chiến dịch Linebacker I, Hoa Kỳ có 207 máy bay B-52 dành cho chiến trường Đông Nam Á, gồm 54 chiếc (mẫu B-52-D) đóng tại phi trường U-Tapao Thái Lan và 153 chiếc khác tại căn cứ Andersen,đảo Guam (gồm 55 chiếc B-52 D và 98 B-52G).
Chiến dịch này dụng một nửa tổng số máy bay B-52 của Không đoàn máy bay ném bom Mỹ. Các vị chỉ huy của Bộ chỉ huy SAC miễn cưởng chấp nhận sử dụng những máy bay đắt giá và những phi hành đoàn huấn luyện tốn kém.
Sự huy động một lực lượng máy bay B-52 lớn chưa từng thấy trong cuộc chiến và dự án tấn công đại qui mô quanh Hà Nội 20 km cho thấy thể hiện sự thay đổi lớn trong việc huy động lực lượng không quân.
Bộ chỉ huy chiến dịch tấn công "Bắc Việt" đề ra trong ba đêm liên tiếp bắt đầu từ 18-12-1972, đêm đầu tiên 129 máy bay được tung vào chiến dịch, trong đó 87 chiếc từ Guam, 39 chiếc yểm trợ thuộc Bộ tư lệnh không lực số 7.
Lực lượng đặc nhiệm 77 Hải quân và Thủy quân lục chiến yểm trợ các oanh tạc cơ B-52 bằng các máy bay F-4 hộ tống, F-105 để tiêu diệt hỏa tiễn SAM, máy bay EB-66 thuộc không quân và EA-6 thuộc hải quân, các máy bay thả nhiễu để gây nhiễu loạn radar đối phương, cùng rất nhiều KC-135 tiếp nhiên liệu trên không,...".
Những thay đổi đáng kể sau Noel
Sau trận oanh kích ngày 24/12/1972, chiến dịch tạm ngưng 36 giờ nghỉ lễ Giáng Sinh 1972. Trong khi đó các nhà kế hoạch không quân làm việc không nghỉ, xuyên kỳ Noel. Họ duyệt lại chiến thuật cho giai đoạn kế tiếp, tức giai đoạn chót.
Vì bị thiệt hại ở giai đoạn đầu, nên họ dự trù một cuộc tấn công dữ dội vào các phi trường miền Bắc, ngay khi bắt đầu tấn công trở lại. Các tài liệu trên đây viết: Kế hoạch giao cho chỉ huy BCH Không đoàn 8 đóng tại Guam, ở đây họ duyệt lại chiến thuật đã có nhiều thiệt hại trước đây.
Cụ thể: Nay thay vì tấn công nhiều đợt, các oanh tạc cơ có thể đánh và rút khỏi mục tiêu trong vòng 20 phút.
Giờ đây, các pháo đài bay này có thể đến từ nhiều hướng và nhiều cao độ khác nhau. Các phi hành đoàn có thể tùy nghi muốn rút theo đường nào thì rút, kế hoạch rút về hướng tây (post-target turns) trước đây bị loại bỏ.
Các tài liệu còn tiết lộ: Các pháo đài bay đến từ bảy địa điểm khác nhau, tấn công mười mục tiêu trong phạm vi Hà Nội, Hải Phòng, trong đó có bốn địa điểm từ vịnh Bắc bộ bay vào.
Ngày 26/12/1972, tổng cộng 120 máy bay B-52 cất cánh ném bom ga xe lửa Thái Nguyên, Uy Nỗ, đường xe lửa Hà Nội, Hải Phòng và khu nhà ga Văn Điển. Có 78 oanh tạc cơ B-52 xuất phát từ căn cứ Anderson (Guam).
Đó là trận oanh tạc "trong một lần" lớn nhất trong lịch sử của Bộ chỉ huy chiến dịch, 42 chiếc B-52 khác từ Thái Lan. Các oanh tạc cơ được 113 máy bay chiến thuật yểm trợ, như thả những miếng lá kim loại dát mỏng phá rối radar cảnh giới và ngắm bắn của đối phương, cũng như hộ tống, phá hủy các dàn "hỏa tiễn đất đối không"…
Phía Mỹ tính toán: Hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam mặc dù còn hữu hiệu, nhưng bị tràn ngập bởi số lượng máy bay lớn, rất khó tìm ra máy bay (chủ chốt) trong khoảng thời gian ngắn vì bị màn nhiễu dầy đặc của các miếng kim loại dát mỏng thả xuống.
Phòng không miền Bắc đã bắn lên khoảng 950 hỏa tiễn từ những ngày trước đó, kho tên lửa nay đã gần cạn. Chứng cớ là đêm 26/12, họ chỉ bắn lên được 68 quả SAM.
Thực tế chua chát!
Những tài liệu tổng kết của ngành trinh sát điện tử Việt Nam cho thấy, từ 20 giờ 53 phút đến 21 giờ 40 phút, ngày 26/12/1972, có 56 tốp F-105 và F-4 đã rải một "bức tường nhiễu" cao từ 5 đến 7 km, rộng hàng chục km ở bốn hướng Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam Hà Nội.
Để dọn đường cho đợt tập kích này, từ 13 giờ 30 (giờ Hà Nội), Không quân của hải quân Hoa Kỳ đã huy động 32 lần chiếc A-7 và 8 chiếc F-4 yểm hộ ném bom chặt đứt tuyến ga đường sắt Hà Nội và Đông Anh.
Trước khi cuộc tập kích diễn ra 3 giờ, 10 máy bay F-111A đã đánh phá các sân bay Yên Bái, Nội Bài, Kép, Hòa Lạc, các nhà ga đường sắt Bắc Giang, Lưu Xá và nhà máy điện Việt Trì.
113 máy bay F-4, F-105 làm nhiệm vụ yểm hộ B-52, máy bay tác chiến điện tử EB-66, EA-3A, EA-6A và EA-6B được tung vào trận làm nhiệm vụ yểm hộ B-52, gây nhiễu tích cực, nhiễu tiêu cực, nhiễu trong đội hình, nhiễu ngoài đội hình, chặn kích đối phó MiG-21.
Đợt không kích này nhằm vào 7 mục tiêu ở Hà Nội, 1 mục tiêu ở Hải Phòng và một mục tiêu ở Thái Nguyên. Nhưng Hà Nội vẫn là mục tiêu không quân Mỹ muốn san phẳng. Các máy bay đột nhập riêng Hà Nội "cùng lúc từ 4 hướng".
Trung đoàn radar 291 thông báo chính xác 21 giờ 48 phút, 27 tốp B-52 đầu tiên đã tới Xiêng Khoảng (Lào). Cùng lúc, 13 tốp B-52 khác xuất hiện trên biển Đông. 22 giờ 25 phút, các tốp B-52 tiếp cận mục tiêu.
Về phía Việt Nam, từ 22 giờ 25 phút đến 22 giờ 28 phút, bốn tiểu đoàn tên lửa (57, 86, 87, 88 đã phát sóng, chuyển mục tiêu… đánh 7 trận, phóng 13 đạn vào các tốp 600 và 602 và cuộc chiến đấu đêm 26, được coi là "trận then chốt quyết định" ấy…
Tính tới rạng sáng ngày 27/12/1972 đã có 18 máy bay Mỹ bị tiêu diệt, trong đó có 8 B-52 (có tới 4 chiếc rơi tại chỗ). Với chiêu nào, lực lượng Phòng không không quân Việt Nam đánh trả mãnh liệt B-52 đêm 26/12?
Điều này có thể khái quát trong mấy dòng, là Việt Nam đã kịp thời "Chuyển hóa thế trận, đa dạng hóa cách đánh, dũng mãnh tấn công", có tới 13 tiểu đoàn tên lửa tham chiến sau đem Noel, với các kíp bắn điêu luyện. Họ đã làm nên kỳ tích.
Theo tài liệu của phía Mỹ: Trong chiến dịch Linebacker II tổng cộng có 741 phi xuất B-52 để oanh tạc Hà Nội và 729 phi vụ đã thực hiện xong.
Có 15.237 tấn bom đạn đã được ném xuống 18 mục tiêu về kinh tế - công nghiệp và 14 mục tiêu quân sự, kể cả 8 trận địa tên lửa SAM-2, trong khi đó các máy bay chiến thuật cũng đã ném xuống 5.000 tấn bom đạn.
Cùng thời gian này vẫn có tới 212 phi vụ B-52 vào ném bom ở miền Nam VN để yểm trợ cho các chiến dịch dưới đất.
Bắc Việt cho biết họ đã bắn hạ 34 chiếc B-52, 4 chiếc F-111 trong suốt chiến dịch.
Theo Đại tá Trần Danh Bảng (Soha/Trí Thức Trẻ)