Australia và Hà Lan kiện Nga vụ bắn rơi MH17 ở Ukraine

15/03/2022 16:28:00

Australia và Hà Lan đã khởi động các thủ tục pháp lý chống lại Nga về vụ bắn rơi MH17 của Malaysia Airlines ở Ukraine năm 2014.

Australia và Hà Lan kiện Nga vụ bắn rơi MH17 ở Ukraine
Những mảnh vỡ còn sót lại của chuyến bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine năm 2014. Ảnh: Reuters.

Hai nước Australia và Hà Lan đã tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại Nga thông qua Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về vụ bắn rơi chuyến bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines .

Theo tờ The Guardian hành động pháp lý có thể buộc Nga tham gia vào các cuộc đàm phán đã bị đình trệ với hai nước và cũng có thể dẫn đến việc nước này bị ICAO - cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc - trừng phạt.

Australia và Hà Lan đang tìm kiếm sự bồi thường và lời xin lỗi từ Nga về thảm họa MH17 khiến 298 người, trong đó có 38 người Australia, thiệt mạng khi máy bay bị bắn rơi ở Ukraine vào năm 2014.

Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận sự liên quan bất chấp kết quả các cuộc điều tra quốc tế, và đơn phương rút khỏi các cuộc đàm phán với hai nước từ tháng 10 năm 2020.

Ngày 14/3, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và tổng chưởng lý Michaelia Cash thông báo rằng Australia sẽ cùng với Hà Lan kiện Nga ra ICAO theo Điều 84 của Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế, hay còn gọi Công ước Chicago.

“Chúng tôi khẳng định kể từ tháng 5 năm 2018 rằng Liên bang Nga chịu trách nhiệm theo luật pháp quốc tế về vụ bắn rơi chuyến bay MH17,” Ngoại trưởng Payne cho biết trong một tuyên bố tại Sydney hôm 14/3.

“Việc Nga từ chối chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong vụ bắn rơi chuyến bay MH17 là không thể chấp nhận được và chính phủ Australia luôn nói rằng họ sẽ không loại trừ bất kỳ lựa chọn pháp lý nào trong việc theo đuổi công lý của chúng tôi”. Bà Payne nhấn mạnh.

Australia và Hà Lan được cho là sẽ dựa vào những gì được coi là "bằng chứng áp đảo" để khẳng định chuyến bay đã bị bắn hạ bởi một hệ thống tên lửa đất đối không Buk-Telar của Nga, được vận chuyển từ Nga tới một cánh đồng nông nghiệp ở phía đông Ukraine vào sáng ngày 17/7/2014.

Vào thời điểm đó, khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn.

Hai nước cũng được cho là sẽ đưa ra bằng chứng cho thấy hệ thống tên lửa này thuộc lữ đoàn quân sự phòng không số 53 của Liên bang Nga và được tháp tùng bởi một đội quân được huấn luyện tại Nga.

Australia và Hà Lan khẳng định chỉ những người được Nga đào tạo mới có thể điều khiển hệ thống Buk-Telar. Hệ thống này đã được đưa trở lại Liên bang Nga ngay sau khi chuyến bay MH17 bị bắn rơi.

Trước đó, Hà Lan đã truy tố bốn nghi phạm về trách nhiệm hình sự cá nhân trong vụ bắn rơi chuyến bay gồm ba người Nga và một người Ukraine.

Một cuộc điều tra quốc tế cho thấy những người này không tự "nhấn nút" hệ thống tên lửa mà đã đưa hệ thống này sang miền Đông Ukraine.

“Mặc dù chúng tôi không thể làm vơi đi nỗi đau của những người có người thân đã mất trong vụ MH17, nhưng chính phủ Australia sẽ theo đuổi mọi cách thức hiện có để đảm bảo Nga phải có trách nhiệm để đảm bảo những hành động tương tự không bao giờ xảy ra,” Ngoại trưởng Payne cho biết.

Tại một cuộc họp báo ở Sydney, bà Payne nói với các phóng viên rằng Australia có thể “cân nhắc” rút lại hành động nếu Nga “chuẩn bị trở lại bàn đàm phán… nhưng chúng tôi không thấy có dấu hiệu thiện chí nào từ Nga về điều đó trong một thời gian.”

Australia và Hà Lan đã thông báo với Nga vào năm 2018 rằng hai nước này quy trách nhiệm cho Nga theo luật pháp quốc tế về vai trò của mình trong vụ bắn hạ máy bay MH17, bất chấp việc Điện Kremlin liên tục phủ nhận.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia lúc đó là Julie Bishop đã kêu gọi Nga “tham gia vào các cuộc đàm phán để mở ra một cuộc đối thoại và tìm kiếm bồi thường” cho các gia đình bị ảnh hưởng.

Bình Minh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật