Australia phạt tàu Trung Quốc gần 40 triệu USD vì phá hoại rạn san hô

20/09/2016 09:20:00

Công ty Vận tải năng lượng Thâm Quyến (Trung Quốc), đơn vị chủ quản của tàu Shen Neng 1, đã chấp nhận mức phạt 39,3 triệu USD do hành động phá hủy và gây ô nhiễm rạn san hô Great Barrier Reef của Australia.

Công ty Vận tải năng lượng Thâm Quyến (Trung Quốc), đơn vị chủ quản của tàu Shen Neng 1, đã chấp nhận mức phạt 39,3 triệu USD do hành động phá hủy và gây ô nhiễm rạn san hô Great Barrier Reef của Australia.

Tàu Trung Quốc mắc cạn tại rạn san hô của Australia (Ảnh: The Australian)

Theo The Australian, chính quyền liên bang Australia ban đầu dự kiến đưa ra mức phạt là 120 triệu USD dành cho Công ty Vận tải năng lượng Thâm Quyến để khắc phục hậu quả sau khi một tàu chở than của tập đoàn này mắc cạn và gây ô nhiễm rạn san hô Great Barrier Reef cách đây 6 năm. Trong khi đó, công ty Trung Quốc lập luận rằng rạn san hô này có thể tự động tái tạo quá trình sinh thái tự nhiên và họ không cần phải trả tiền bồi thường.

Vào tháng 4/2010, tàu chở than Shen Neng 1 của Trung Quốc, dài 225m, đã mắc cạn tại bãi Douglas, cách phía đông Rockhampton khoảng 100km. Đây là khu vực có rạn san hô Great Barrier Reef nổi tiếng của Australia. Sau khi vụ việc xảy ra, Công ty Vận tải năng lượng Thâm Quyến - đơn vị chủ quản của Shen Neng 1 và cơ quan bảo hiểm từ chối chi trả khoản tiền đền bù ô nhiễm môi trường gây ra tại rạn san hô. Tuy nhiên, trải qua quá trình thương lượng, Australia và Trung Quốc đã nhất trí khoản đền bù trị giá 39,3 triệu USD.

“Mục đích của chúng tôi khi liên tục theo đuổi khoản bồi thường trong việc xử lý mức độ ô nhiễm nhằm phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng, việc tàn phá rạn san hô Great Barrier Reef được xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới là điều không thể chấp nhận được. Và chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các biện pháp có thể để quy trách nhiệm cho chủ tàu vì đã bất cẩn phá hủy rạn san hô này”, Bộ trưởng Môi trường Australia osh Frydenberg cho biết.

Theo ông Frydenberg, khoản tiền 39,3 triệu USD sẽ được sử dụng để trả cho Công viên biển Great Barrier Reef trong quá trình làm sạch độc tố từ sơn vỏ tàu - vốn có chứa một loại độc tố bị cấm, rác cũng như khôi phục rạn san hô về nguyên trạng tự nhiên. Nhà chức trách Australia cảnh báo rằng nếu những độc tố này không được loại bỏ sớm khỏi khu vực rạn san hô thì sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái biển và đáy biển trong vài chục năm tới.

Tổ chức Hòa bình Xanh Australia phản đối số tiền đền bù 39,3 triệu USD vì cho rằng đây là con số quá nhỏ so với mức đề xuất ban đầu, đồng thời kêu gọi chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Theo Thành Đạt (Dân Trí)

Nổi bật