Để đối phó với những nguy cơ tiềm ẩn trong khu vực và củng cố mối thâm tình giữa Nhật và Australia, Tokyo vừa hối thúc Canberra mua tàu ngầm AIP Soryu.
Theo Bloomberg, trong chuyến thăm Australia vừa qua, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản nhắc lại quan ngại về hành động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời hối thúc Australia mua sắm các tàu ngầm thế hệ mới do Nhật sản xuất để đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển này.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: "Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động ở Biển Đông. Chúng ta không thể chấp nhận và dung túng cho hành động này, chúng ta cần đảm bảo tinh thần thượng tôn luật pháp và tự do hàng hải".
Hiện nay, Nhật đang nỗ lực để trở thành đối tác đóng một loạt tàu ngầm thế hệ mới cho Australia trong chương trình trị giá 36 tỷ USD. Theo các nhà quan sát, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đang dựa vào mối đe dọa về tự do hàng hải trên Biển Đông để thuyết phục phía Australia ký hợp đồng này.
Bộ trưởng Nakatani tuyên bố hôm 22/11: "Hai nước chúng ta đều là những nước gần biển và cùng có chung lợi ích chủ chốt trong đảm bảo tự do hàng hải".
Tàu ngầm AIP Soryu do Nhật Bản sản xuất. |
Ngoài việc bán tàu ngầm cho Australia, phía Nhật Bản còn cam kết sẽ chia sẻ công nghệ sản xuất loại tàu ngầm này. Hồi tháng 6/2014, Nhật Bản và Australia thông báo đã đạt được những "kết luận quan trọng" trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hợp tác công nghệ và thiết bị quốc phòng giữa hai nước, dọn đường cho khả năng Tokyo chuyển giao công nghệ tàu ngầm động cơ AIP cho Canberra.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani đã tiến hành hội đàm vòng 5 theo cơ chế “2+2” với Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston của Australia tại Tokyo.
Theo đó, nếu Canberra thỏa mãn được một số điều kiện mà phía Tokyo đưa ra thì họ không chỉ có thể chuyển giao công nghệ tàu ngầm lớp Soryu, mà Nhật còn có thể tiến hành cải tiến, nâng cấp công nghệ tàu ngầm hiện có của lớp này hiện đại hơn, để giúp cho Australia xây dựng hạm đội tàu ngầm của mình một cách hoàn chỉnh nhất.
Một trong những điều kiện mà phía Nhật đưa ra đó là ký thỏa thuận khung về chính sách an ninh giữa hai nước, xây dựng quan hệ đồng minh hoặc bán đồng minh quân sự giữa hai nước. Hiệp định quân sự giữa Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ có vai trò rất quan trọng đối với an ninh khu vực Đông Á.
Trước đây, Nhật Bản đã ký thỏa thuận về hợp tác công nghệ và thiết bị quốc phòng với Mỹ và Anh. Dự kiến, Nhật Bản và Australia sẽ ký một thỏa thuận tương tự như vậy với Australia.
Thỏa thuận hợp tác này được ký kết đã đưa công nghệ tàu ngầm, thậm chí cả tàu mặt nước của Nhật Bản xuất hiện trong hạm đội Hải quân của Australia, mở ra một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa 2 nước, góp phần bảo đảm an ninh khu vực Đông Á nói riêng và châu Á nói chung.
Hình thành khối đồng minh
Thông qua hợp tác quốc phòng, Australia và Nhật Bản đang dần hình thành khối đồng minh chiến lược trong khu vực. Việc hình thành khối đồng minh này được nhiều chuyên gia đánh giá là rất cần thiết trong bối cảnh khu có nhiều bất ổn, nhất là khi Trung Quốc có những hành động quân sự gần Australia thời gian qua.
Theo đó, hồi tháng 2/2014, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên ngoài khơi bờ biển Australia. Chưa bao giờ người ta thấy Bắc Kinh biểu dương sức mạnh quân sự lãnh thổ gần lãnh thổ Australia như vậy.
Một số học giả Trung Quốc đã nói trong cuộc phỏng vấn với báo chí Australia rằng có lẽ đây chưa phải là cuộc tập trận cuối cùng. Cuộc tập trận này đã gây ra phản ứng nghiêm trọng trên báo chí Australia làm dấy lên làn sóng tranh luận về việc nước này sẽ phải sống ra sao trong bối cảnh tiềm lực quốc phòng và các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phía Trung Quốc, Australia chỉ có thể lựa chọn một trong 2 con đường - hoặc làm suy yếu liên minh của họ với Hoa Kỳ để đổi lấy sự cải thiện quan hệ với Trung Quốc, hoặc hoàn toàn theo đuổi chính sách thân Mỹ trong khi giải quyết các vấn đề an ninh châu Á.
Trong tháng 2/2014, Thủ tướng Australia khi đó là ông Tony Abbott cho biết, chính phủ nước này đã phê chuẩn kế hoạch mua 8 chiếc máy bay tuần tra hàng hải tầm xa Boeing P-8A Poseidon. Chính phủ nước này sẽ chi 4 tỷ AUD (đô la Australia - tương đương 3,6 tỷ USD) để mua số máy bay này.
Đồng thời, cuối tháng 4/2014, chính phủ Australia đã bật đèn xanh, cho phép quân đội mua 86 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 Joint Strike Fighter của Mỹ, để trang bị cho Không quân Hoàng gia Australia. Tổng chi phí cho toàn bộ dự án lên tới 14 tỷ đô la Australia (tương đương 12,63 tỷ USD), bao gồm cả chi phí huấn luyện và bảo trì.
Được biết, gói mua sắm khổng lồ này này sẽ là hợp đồng mua sắm máy bay chiến đấu lớn nhất trong lịch sử của quân đội Australia. Nước này còn đầu tư thêm hơn 1 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho các máy bay F-35 tại căn cứ Không quân Williamtown ở tiểu bang New South Wales và căn cứ Tindal ở lãnh thổ phía Bắc.
Quyết định ồ ạt mua sắm máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A Poseidon và số lượng lớn máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cùng với kế hoạch hợp tác phát triển tàu ngầm động cơ AIP với Nhật Bản cho thấy, dường như Australia đã lựa chọn con đường thứ 2, chuẩn bị sẵn sàng cho một thử thách lớn khi đối đầu với Trung Quốc.
Theo Hòa Bình (Đất Việt)