Cuộc chiến của Australia với mèo hoang để bảo vệ các loài khác khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng dường như mới chỉ bắt đầu.
Nghiên cứu mới đây cho thấy hơn một triệu con chim ở xứ sở kangaroo bị mèo giết mỗi ngày. Đây là nghiên cứu mới nhất sau nhiều nghiên cứu những năm gần đây cho thấy tác động hủy diệt của loài mèo tới các loài vật khác ở đất nước nổi tiếng với sự đa dạng sinh học này.
“Ai cũng biết mèo có thể giết chim, nhưng nghiên cứu này cho thấy, ở quy mô toàn quốc, cả chuyện săn mồi của loài mèo vô cùng đáng sợ, và chắc chắn đang làm chết dần số lượng các loài vật khác”, trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư John Woinarski của Đại học Charles Darwin, nói.
Nhóm nghiên cứu uớc tính mèo giết chết 4% của 11 tỷ chim bản địa mỗi năm. Mèo hoang là thủ phạm làm chết 316 triệu con chim mỗi năm, trong khi mèo nhà biến 61 triệu con chim thành nạn nhân.
Một nghiên cứu ở Mỹ năm 2013 ước tính mèo nhà giết chết từ 1,4-3,7 tỷ con chim và từ 6,9-20,7 tỷ động vật có vú mỗi năm. Tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Peter Marra, từ Viện Bảo tồn Sinh học Smithsonian nói vớiABC News (Mỹ) “như vậy cứ 10 con chim ở Mỹ thì có 1 con bị mèo giết chết mỗi năm”.
Những con mèo nhà giết chết 61 triệu con chim mỗi năm ở Australia. Ảnh: Getty Images. |
Đe dọa thú bản địa
Mèo hoang ở xứ sở kangaroo không chỉ tàn sát chim. Mỗi con mèo hoang còn giết hơn 1.000 động vật bản địa mỗi năm, từ dế, thằn lằn cho tới động vật có vú nhỏ, theo tờ Sydney Morning Herald.
Sự tàn bạo của mèo hoang đã làm tuyệt chủng 20 loài, biến Australia, vốn có đa dạng sinh học bậc nhất, thành nước có tỷ lệ động vật có vú bị tuyệt chủng cao trên thế giới, theo tờ Nikkei Asia Review. Chúng không chỉ đáng sợ ở Australia. Trong một báo cáo gần đây, các nhà khoa học tố cáo mèo hoang góp phần tiêu diệt 60 loài trên thế giới.
Nhưng mèo hoang gây hại nhiều hơn cả cho Australia, nơi mà các động vật bản địa không phải chạm trán với mèo cho đến thế kỉ 19. Vì vậy, động vật bản địa ngày nay “không có bản năng biết sợ mèo”, theo tờ Nikkei Asian Review.
“Chúng là mối đe dọa lớn nhất cho thú bản địa”, cựu Chủ tịch Ủy ban về Thú bị Đe dọa Gregory Andrews nói.
Mèo hoang là mối đe dọa với các loài thú bản địa ở Australia. Ảnh: Wikipedia. |
Australia tuyên chiến với mèo hoang
Ở Australia, cuộc chiến nhằm tiêu diệt mèo đã diễn ra nhiều năm.
Tháng 2 năm nay, chính quyền nước này một lần nữa tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp có thể để tiêu diệt 2 triệu con mèo hoang.
Theo tờ báo Sydney Morning Herald, đó là 1/3 số mèo hoang. Còn theo tờ Nikkei Asia Review, mèo hoang hoạt động ban đêm và riêng lẻ nên rất khó đếm số lượng. Các ước tính dao động từ 5-20 triệu con ở Australia. Nhờ dễ thích nghi, mèo hoang còn sống được ở sa mạc vì chúng có thể chịu được khát.
Chính phủ cũng sẵn sàng chi 5 triệu USD để biến các nhóm địa phương thành “lính tiên phong” trên mặt trận với mèo.
“Chúng ta không giết mèo chỉ vì muốn giết, hay vì chúng ta ghét mèo. Chúng ta phải lựa chọn cứu lấy các loài động vật làm nên bản sắc của Australia như chuột bilby, chuột rock-wallaby và vẹt đêm”, Andrews nói.
Tính đến nay, chính phủ đã chi 30 triệu USD cho các dự án đối phó với tác hại của mèo hoang, theo tờ Guardian.
Khoảng 211.000 con mèo bị giết năm ngoái, bằng nhiều biện pháp như đánh bả, phát triển các thiết bị bẫy tinh vi và dùng chó để vừa bảo vệ động vật bị đe dọa vừa tấn công mèo, theo tờ Sydney Morning Herald.
Australia đã tuyên chiến với mèo hoang từ nhiều năm nay. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Động vật Xâm lấn Australia |
Dùng chó để bảo vệ chuột
Cuộc chiến với mèo hoang không có biện pháp dễ dàng. Nhiều biện pháp vẫn đang được nghiên cứu và thử nghiệm.
Mèo hoang đi săn thường xuyên và thích những con mồi còn sống. Bả của con người khó lừa được mèo, trừ khi mồi sống trở nên khan hiếm vào mùa đông hay đợt hạn hán, Gregory Andrews nói với tờ Nikkei Asia Review
Một loại bả mèo đang được nghiên cứu mang tên Curiosity mà Andrews nói có thể giảm số lượng mèo hoang tới 80%. Nó sẽ quyến rũ mèo bằng xúc xích, nhưng có viên thuốc độc bên trong.
Nhưng có lẽ biện pháp chống lại mèo hoang tốt nhất là những con chó. Ở bang Victoria miền Nam, chó chăn cừu Maremma Italia được dùng để bảo vệ số lượng nhỏ chuột lợn mũi dài miền đông (eastern barred bandicoot), vốn đã bị tuyệt chủng trong môi trường hoang dã từ năm 1991 bởi sự săn mồi của mèo hoang và cáo.
Ở phía Bắc, trên núi Snowy ở New South Wales, loài thú có túi tí hon (pygmy mountain possum) vốn chỉ còn 2.500 cá thể cũng được một số chó bảo vệ. Một số con chó sẽ dựa vào mũi thính để tìm ra những con thú nhỏ, trong khi những con chó khác truy lùng mèo hoang để con người tới bắt.
“Người Australia chấp nhận đây là những điều không dễ chịu nhưng cần thiết để kiểm soát mèo hoang”, Andrews nói.
Chỉ còn 2.500 cá thể thú có túi tí hon (pygmy mountain possum) ở Australia. Ảnh: Australian Broadcasting Corporation. |
Những vũ khí mới
Giải pháp sinh học từng được áp dụng rộng rãi để kiểm soát thỏ, một loài vật cũng du nhập vào Australia và phá hoại mùa màng. Nếu phát minh được một căn bệnh chỉ làm mèo mất khả năng sinh sản chứ không chết, số lượng mèo hoang sẽ giảm trong vòng vài năm. Tất nhiên mèo nhà sẽ được cho vắc-xin.
Tuy vậy, một số chuyên gia nói căn bệnh này có thể lan sang các nước khác, thậm chí còn đe dọa các các loài cùng họ mèo đang bị đe dọa như hổ ở Ấn Độ và sư tử ở Châu Phi.
Một nghiên cứu của nhà sinh thái học John Read ở Bán đảo Eyre nhắm vào bản tính thích “làm dáng” của mèo. Cãi bẫy của ông dùng camera hồng ngoại để nhận biết rồi phun thuốc độc vào lông mèo hoang (chứ không phải người hay các con khác).
Numbat, một trong 128 loài thú bản địa đang bị mèo hoang đe dọa tuyệt chủng. Ảnh: Australian Broadcasting Corporation |
“Mèo chăm chút lông rất kĩ, và chắc chắn sẽ liếm phải thuốc độc. Đó là bản năng của chúng”, tiến sĩ Read nói. Ông cho rằng như vậy sẽ dễ hơn vì “các kĩ thuật khác như dùng bẫy hoặc bả bắt buộc phải dụ được con mèo tự nguyện mắc bẫy”.
Các nhóm quyền động vật chỉ trích những kế hoạch này, trong khi có những ý kiến nhẹ tay hơn nói nên bẫy, triệt sản và thả những con mèo.
Một dự án nữa từ Đại học Nam Úc sẽ thử nghiệm cấy viên thuốc độc nhỏ như hạt gạo vào các động vật có vú bản địa. Thuốc độc này vô hại cho đến khi con thú bị ăn thịt, khi đó nó sẽ phát tác và giết chết con mèo hoang. Những động vật săn mồi bản địa khác có thể kháng độc, nên không bị ảnh hướng.
“Cứ mỗi con vật bản địa bị ăn thịt bởi mèo hoang, sẽ cứu được hàng trăm con thú bản địa khác” tiến sĩ Blencowe viết về dự án trên trang kêu gọi vốn cộng đồng chuffed.org.
Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)