Lầu Năm Góc đang chuẩn bị đổ tiền mua ba loại tên lửa diệt hạm mới với uy lực mạnh mẽ hơn để giữ thế bá chủ trên biển trước sức ép ngày càng tăng từ Trung Quốc và Nga.
Tàu khu trục USS Dewey của hải quân Mỹ tháng 3/2011 bắn thử tên lửa SM-6. Ảnh: U.S Navy |
Bản dự thảo ngân sách 583 tỷ USD cho năm tài khóa 2017 mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 9/2 cho thấy xu hướng cắt giảm chi tiêu ở một loạt hạng mục như chiến đấu cơ, trực thăng, chiến hạm và xe quân sự để tiết kiệm hàng tỷ USD phục vụ các cuộc chiến tốn kém ở Syria, Iraq và Afghanistan. Khoản ngân sách dôi ra cũng sẽ góp phần trang trải chi phí triển khai binh sĩ Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và châu Âu nhằm đối phó với Trung Quốc và Nga, theo Reuters.
Tuy nhiên, có một loại vũ khí mà Lầu Năm Góc không hề cắt giảm, trái lại còn muốn tăng mạnh chi tiêu với mức đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD, đó là tên lửa diệt hạm, những vũ khí có khả năng đánh chìm chiến hạm đối phương ở khoảng cách xa. Những tên lửa diệt hạm mới này được yêu cầu phải sở hữu khả năng tàng hình tốt hơn, bay nhanh hơn, đồng thời có sức hủy diệt lớn hơn so với các phiên bản hiện nay của Mỹ.
Động thái quyết liệt mua hàng trăm tên lửa diệt hạm tầm xa phản ánh quyết tâm của hải quân Mỹ nhằm giữ ưu thế về hỏa lực trên đại dương trước "một nước Nga đang hồi sinh và một Trung Quốc đang trỗi dậy", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work cho hay.
"Các đối thủ đang thách thức chúng ta trên biển vì thế chúng ta cần chú trọng đầu tư cho những năng lực tân tiến này", Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter lý giải.
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, năng lực diệt hạm của hải quân Mỹ luôn vượt trội so với các đối thủ khác, nhờ sức mạnh của hai loại tên lửa ưu việt nhất thế giới là Harpoon và Tomahawk.
Với chiều dài 4 m, nặng 680 kg, tên lửa Harpoon có thể phóng từ chiến hạm, tàu ngầm hoặc chiến đấu cơ, tầm bắn khoảng 130 km. Tên lửa Tomahawk có kích cỡ lớn hơn với chiều dài 6 m, nặng gần 1,4 tấn, có thể khai hỏa từ chiến hạm hay tàu ngầm, tầm bắn 1.100 km. Sở hữu hai vũ khí kể trên, hải quân Mỹ luôn sẵn sàng giao chiến với tàu chiến của mọi đối thủ.
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, các hạm đội Mỹ chuyển mối quan tâm sang những mục tiêu trên mặt đất, phát động các cuộc chiến ở Iraq, Sebria, Afghanistan, Libya hay Syria và không còn chú trọng vào phát triển tên lửa diệt hạm.
"Mỹ lãng quên năng lực diệt hạm từ đầu thập niên 1990", nhà phân tích hải quân độc lập Eric Wertheim nhận xét. Cho rằng chiến tranh trên biển đã trở thành dĩ vãng, hải quân Mỹ quyết định hạn chế dần việc sử dụng tên lửa diệt hạm trên tàu hoặc chiến đấu cơ.
Hành động ấy khiến khoảng trống về sức mạnh của hải quân Mỹ với các đối thủ bắt đầu hình thành. Chiến hạm Mỹ tỏ ra rất hiệu quả khi tấn công trên bộ nhưng khi đối đầu với các mục tiêu trên biển, chúng ngày càng trở nên kém tác dụng.
Đầu thập niên 2000, Trung Quốc bắt tay vào công cuộc củng cố năng lực quân đội. Vài năm sau, Nga cũng cho thấy nỗ lực phục hồi hạm đội vốn bị bỏ bê suốt nhiều năm. Lỗ hổng sức mạnh của hải quân Mỹ chính là điểm mà Bắc Kinh và Moscow muốn khai thác.
Trung Quốc và Nga đều trang bị cho chiến hạm, tàu ngầm và chiến đấu cơ của họ những tên lửa diệt hạm tân tiến có tầm bắn và sức hủy diệt lớn hơn tên lửa Harpoon già cỗi trong kho vũ khí Mỹ, điển hình là tên lửa Klub của Nga với tầm bắn 740 km. Đặc biệt, trong chặng cuối của hành trình, nó có thể vọt lên tốc độ siêu thanh nhằm gây thiệt hại tối đa gây ra cho mục tiêu.
Việc những chiến hạm Nga và Trung Quốc có thể khai hỏa tên lửa Klub hay YJ-18 nhắm trúng tàu Mỹ ở vị trí nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Harpoon đặt các tàu chiến Mỹ vào tình thế vô cùng bất lợi.
Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2011 thông báo Washington sẽ xoay trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương, cam kết dành nhiều nguồn lực quân sự, ngoại giao và kinh tế hơn cho khu vực này nhằm đối trọng với Trung Quốc. Năm 2014, việc Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea không khác gì một lời thông báo ngầm rằng Moscow đang tìm đường quay trở lại vị thế siêu cường.
Mỹ từ đây nhận ra rằng nguy cơ bùng phát chiến tranh trên biển không còn là viễn cảnh quá xa vời và Washington rõ ràng đang thiếu vũ khí để tham gia một cuộc chiến như vậy.
Át chủ bài
Tên lửa hành trình Tomahawk hồi tháng một đánh trúng một mục tiêu di động trên biển sau khi phóng từ tàu khu trục USS Kidd. Ảnh: U.S. Navy |
Các kỹ sư quân đội Mỹ cùng những đối tác trong ngành công nghiệp quốc phòng nhiều năm qua đã âm thầm thiết kế hàng loạt tên lửa diệt hạm hiện đại. Dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2017 sẽ bỏ ra một khoản tiền để thanh toán cho đợt sản xuất lớn đầu tiên của ba loại tên lửa diệt hạm mới.
Đầu tiên phải kể đến tên lửa diệt hạm tầm xa có tên viết tắt LRASM. Đây là phiên bản tấn công trên biển của một tên lửa hành trình tấn công mặt đất do công ty quốc phòng Lockheed Martin chế tạo. Theo quân đội Mỹ, tên lửa dài 4,2 m, nặng 950 kg, tầm bắn 370 km này có thể triển khai cả trên chiến hạm lẫn chiến đấu cơ. Nó cũng sở hữu năng lực tàng hình nhờ thiết kế đặc biệt. Lầu Năm Góc dự kiến bỏ ra 30 triệu USD mua 10 tên lửa LRASM vào năm 2017.
Quân đội Mỹ cũng bắt đầu thử nghiệm một phiên bản diệt hạm mới của tên lửa Tomahawk, vốn được hải quân Mỹ dùng để tấn công các mục tiêu cố định trên đất liền. Biến thể này có thêm tính năng đeo bám/tìm kiếm nhằm nâng cao độ chính xác khi tấn công những mục tiêu di động. Nó được phóng thử hồi tháng một năm ngoái ngoài khơi bờ biển bang California.
Cuộc thử nghiệm đã thành công vang dội. Ông Work gọi nó là nhân tố "thay đổi cuộc chơi". Tên lửa hành trình diệt hạm tầm bắn 1.850 km này có thể trang bị cho cả hạm đội tàu nổi lẫn tàu ngầm.
Mỹ sẽ bỏ ra 187 triệu USD để mua 100 phiên bản tên lửa Tomahawk kể trên. Ông Work cũng cho biết hải quân Mỹ sẽ bổ sung tính năng tìm kiếm cho tất cả tên lửa Tomahawk còn lại trong kho vũ khí của nước này, với con số ước tính lên tới hàng trăm đến hàng nghìn chiếc.
Tên lửa cuối cùng mà Lầu Năm Góc muốn bổ sung là mẫu SM-6 của công ty quốc phòng Raytheon. Dài 6,4 m, nặng 1,5 tấn, SM-6 mệnh danh là tên lửa đánh chặn tốt nhất của hải quân Mỹ. Nó sở hữu thiết kế tối ưu giúp ngăn chặn hiệu quả hỏa lực từ đối phương, góp phần bảo vệ chiến hạm, lực lượng mặt đất hay cả những thành phố Mỹ trước các cuộc tấn công.
Tên lửa diệt hạm tầm xa (LRASM) chuẩn bị được lắp vào máy bay tiêm kích đa nhiệm F/A-18E/F Super Hornet tại căn cứ không lực hải quân Patuxent River, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: U.S. Navy |
Lầu Năm Góc tiết lộ hải quân và công ty Raytheon đã điều chỉnh phần mềm của SM-6 để nó có thêm khả năng tấn công tàu biển. Giới chuyên gia đánh giá, với tốc độ nhanh gấp nhiều lần vận tốc âm thanh, sức hủy diệt của tên lửa này vô cùng khủng khiếp.
Quân đội Mỹ chưa tiết lộ tầm bắn của SM-6 khi dùng nó như một tên lửa diệt hạm nhưng nhiều người dự đoán phạm vi hoạt động của SM-6 nằm trong khoảng vài trăm km. Theo dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2017, Mỹ sẽ đầu tư 501 triệu USD để mua 126 tên lửa SM-6.
Theo Reuters, sự kết hợp của ba mẫu tên lửa diệt hạm mới sẽ giúp cán cân sức mạnh trên biển nghiêng trở lại về phía Mỹ. Nhà phân tích Eric Wertheim cho rằng các tên lửa diệt hạm mới, nếu đảm bảo được uy lực giống như thiết kế, sẽ giúp Washington hủy diệt chiến hạm đối phương, thậm chí trước cả khi họ kịp nhận biết chuyện gì đang diễn ra.
Theo Hồng Vân (VnExpress.net)