Ngày 27-28/01/2015 tại Kota Kinabaru, Malaysia đã diễn ra Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) và các cuộc họp trù bị của các quan chức cao cấp.
Hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam(Ảnh: Rappler). |
Về hình thành cộng đồng ASEAN năm 2015, đến nay, việc thực hiện đã đạt được khoảng 85% khối lượng công việc, trong đó trụ cột Chính trị-An ninh đạt 85%, trụ cột Kinh tế đạt 78% và Văn hóa-Xã hội đạt 97%. Để Cộng đồng ASEAN được hình thành đúng thời hạn ngày 31/12/2015, các nước nhất trí cần có cam kết chính trị mạnh mẽ hơn và đầu tư nguồn lực thích đáng hơn để hoàn thành các phần việc còn lại; coi trọng kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ASEAN; đề cao “văn hóa thực thi” và tăng cường các cơ chế giám sát thực thi hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN, kể cả nâng cao năng lực của Ban Thư ký ASEAN.
Về xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015, các Bộ trưởng chia sẻ, đây là văn kiện có tầm quan trọng đặc biệt, định hướng sự phát triển của ASEAN sau khi hình thành Cộng đồng ASEAN 2015. Theo đó, ASEAN đã thành lập Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) soạn thảo văn kiện Tầm nhìn cùng các kế hoạch hành động cho từng trụ cột Cộng đồng nhằm đề ra các định hướng, mục tiêu, cách thức và biện pháp thúc đẩy liên kết ASEAN sâu rộng và toàn diện hơn trong giai đoạn 2016 – 2025. Dự kiến những văn kiện này sẽ được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tháng 11/2015.
Về phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, các Bộ trưởng khẳng định trước những biến chuyển phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, ASEAN cần phát huy hơn vai trò quan trọng hàng đầu trong việc xử lý kịp thời những thách thức lớn hoặc khủng hoảng nảy sinh ở khu vực cũng như thông qua việc thiết lập các phương thức hoặc cơ chế phản ứng nhanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các diễn đàn/cơ chế do ASEAN giữ vai trò chủ đạo như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF). Để bảo đảm phát huy được vai trò trung tâm của ASEAN, các Bộ trưởng nhất trí cần tăng cường liên kết nội khối, đoàn kết và thống nhất ASEAN, tạo cơ sở để nâng cao đồng thuận và tiếng nói chung về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Về tình hình khu vực và quốc tế, các Bộ trưởng trao đổi ý kiến và thống nhất lập trường về nhiều vấn đề cùng quan tâm. Hội nghị ra Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lên án hành động bạo lực và tàn bạo của các tổ chức cực đoan ở Iraq và Syria. Riêng về Biển Đông, các Bộ trưởng chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây trên thực địa, trong đó có việc bồi đắp các đảo đá quy mô lớn; đề nghị các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS); thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), đồng thời thúc đẩy để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã có những đóng góp cụ thể quan trọng cho các nội dung thảo luận như bổ sung những ưu tiên hợp tác của ASEAN năm 2015; phương hướng và biện pháp đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, kể cả hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác của ASEAN, tăng cường đoàn kết và thống nhất ASEAN cũng như vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực, kể cả các phương thức và cơ chế phản ứng nhanh để ASEAN có thể kịp thời xử lý những thách thức lớn hoặc khủng hoảng nảy sinh.