Các nước ASEAN mua vũ khí đề phòng Trung Quốc, nên các hãng sản xuất vũ khí Nga có cơ hội kiếm tiền ở Đông Nam Á.
Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga. |
Theo trang Russia beyond the headline, sẽ là một sai lầm lớn khi các nhà quan sát phương tây không nghĩ Nga là một “tay chơi” đáng nể ở Đông Nam Á, vì hiện Moscow đang tăng cường quan hệ quốc phòng với 10 quốc gia Hiệp hội các nước Đông nam Á (ASEAN), dù xét lịch sử, quan hệ chính trị-kinh tế Nga với vùng Đông Nam Á ở mức thấp.
Các thỏa thuận quốc phòng Nga-ASEAN có tiềm năng chuyển thành sự hợp tác quân sự, đưa các nước này đến gần nhau trong một tổ hợp địa-chiến lược.
ASEAN có "áo chống đạn" từ sự giúp đỡ của Nga
Ý thức được điều này, Nga đang cung cấp các loại vũ khí hiện đại nhất thế giới vào lúc ASEAN tăng cường mua vũ khí để đề phòng TQ đang trỗi dậy hung hăng.
Theo nhận định của trang Russia beyond the headline, việc Indonesia và Malaysia mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-30, Việt Nam mua tên lửa chống hạm hiện đại và tàu ngầm lớp Kilo cho thấy rõ việc Nga tăng quan hệ quốc phòng với ASEAN.
Năm 1997, Nga đạt được một bước đột phá mới, khi bán tên lửa vác vai Igla cho Singapore, một đồng minh thân cận của Mỹ.
Nga cũng đạt một thỏa thuận quân sự đầu tiên với Thái Lan khi bán trực thăng vận tải Mi-17 và hiện thương lượng để cung cấp xe tăng T-90.
Vào lúc ASEAN đều tăng chi quân sự, các hãng sản xuất vũ khí của Nga liền tập trung đầu tư vào các cơ hội mới. Nó giúp vũ khí Nga củng cố uy tín bền vững về tính hiệu quả trên chiến trường. Vũ khí Nga cũng rẻ hơn vũ khí của phương tây.
Sản phẩm chính của Nga là chiến đấu cơ, tên lửa, tàu chiến, hệ thống phòng không đã đánh các tổ chức khủng bố ở Syria, nên các hãng Nga sẽ còn chú trọng vào những sản phẩm này trong nhiều năm tới.
Theo Russia beyond the headline, ASEAN là những nước nhỏ sống dưới bóng của TQ đang là một thế lực quân sự trong khu vực. Bắc Kinh dùng biện pháp quân sự-ngoại giao hung hăng để ép ASEAN ngồi vào bàn đàm phán theo hướng nhượng bộ những yêu sách của Bắc Kinh.
Vì Bắc Kinh nắm hết các “bài tẩy”, bất kỳ giải pháp nào vào lúc này sẽ chỉ có lợi cho TQ. Từ đó, các nhà quan sát trong khu vực kêu gọi các cường quốc như Nga bảo đảm an ninh khu vực cho các nước ASEAN.
Nhà phân tích Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, đã nghiên cứu về việc Việt Nam có được “áo chống đạn” an ninh hợp lý với sự giúp đỡ của Nga. Ông viết:
“Khi căng thẳng ở Biển Đông gia tăng” từ năm 2007-2008, Việt Nam tăng cường hiện đại hóa quân đội, nhất là không quân và hải quân. Nga đã cung cấp 90 % số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam, gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo, 6 tàu hộ vệ lớp Gephard, 6 tàu tuần tra lớp Svetlyak, 6 tàu hộ vệ lớp Tarantul (đóng ở Việt Nam) 32 chiến đấu cơ Su-30 và các hệ thống phòng không”.
Theo chuyên gia Storey, “vũ khí Nga cung cấp cho Việt Nam là hạn chế, nhưng có khả năng đề phòng TQ, có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho hải quân TQ nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông. Dù gần đây Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Nga vẫn là nơi bán vũ khí đáng lựa chọn của Việt Nam, vì quan hệ Việt-Nga thân cận lâu nay và vì vũ khí Nga rẻ tiền hơn”.
Chiến đấu cơ Su-30 của không quân Indonesia |
Chủ trương xuất khẩu vũ khí Nga đến các nước đang phát triển
Trong báo cáo hàng năm của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) về chuyện mua bán vũ khí của thế giới, doanh số bán vũ khí Nga tăng gần 1/3, từ lúc ông Vladimir Putin trở lại Điện Kremlin năm 2012.
Năm 2015, ông Putin hứa sẽ tiếp tục vai trò nhà cung cấp vũ khí đến toàn thế giới, nhất là ngoài châu Âu. Đa phần vũ khí Nga được xuất sang TQ và Ấn Độ. Nga cũng tích cực hiện đại hóa quân đội, theo đuổi các thương vụ vũ khí với các nước mà phương tây từ chối làm ăn cùng.
Theo SIPRI, vũ khí Nga xuất khẩu tăng 28 % tính từ đầu năm 2011 đến năm 2015, riêng số hàng xuất qua châu Âu tăng 264 %.
Azerbaijan là quốc gia châu Âu mua vũ khí Nga nhiều nhất, chiếm 4, 9 % trong số vũ khí xuất khẩu của Nga trong 5 năm qua. Nhưng từ năm 2006 đến năm 2010, nước này chỉ mua 0,7 % vũ khí Nga.
Trong 10 nước nhập khẩu phương tiện quốc phòng lớn nhất thì có 6 nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
SIPRI nêu: TQ là nước xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ ba thế giới, từ năm 2011 đến 2015, chiếm 5, 9 % thị trường xuất khẩu toàn cầu.
Nhưng TQ vẫn còn thua nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Mỹ (chiếm 33 % thị trường toàn cầu) và Nga (chiếm 28 %).
Theo Newsweek, Nga bán vũ khí cho 50 quốc gia trong 10 năm qua, Ấn Độ mua nhiều nhất, chiếm 39 % trong doanh số của Nga. Theo SIPRI, “dựa trên số vũ khí và đơn đặt hàng hiện có, Nga sẽ vẫn là nguồn cung vũ khí chủ yếu cho Ấn Độ trong tương lai gần”.
Trang báo Mỹ này nói TQ và Việt Nam cùng là điểm đến nhiều thứ nhì của vũ khí Nga trong năm qua, mỗi nước chiếm 11 % doanh số của Nga.
Newsweek viết: “Dù TQ tự phát triển vũ khí, TQ vẫn phần nào lệ thuộc hàng nhập khẩu, gồm tàu vận chuyển lớn và trực thăng, động cơ cho xe, tàu chiến và máy bay”.
Theo trang web Global Firepower chuyên phân tích sức mạnh quân sự của các nước, quân đội Nga mạnh thứ nhì thế giới, sau Mỹ. TQ xếp hạng ba.
Cách xếp hạng này chỉ căn cứ vào số vũ khí quy ước, không tính đến số vũ khí hạt nhân.
Nga hơn Mỹ về số xe tăng (15.000 chiếc so với 8.000 chiếc) nhưng không quân Nga chỉ có 3.547 chiếc so với không quân Mỹ có 13.444 chiếc.
Các nhà phân tích tài chính của ngân hàng Credit Suisse cũng xếp quân đội Nga mạnh hàng thứ hai thế giới, không tính số vũ khí hạt nhân nhưng không loại trừ số vũ khí phi quy ước.
Cuối năm 2015, một báo cáo trình quốc hội Mỹ, về sự phát triển thị trường vũ khí quy ước từ năm 2007 đến năm 2014. Theo báo cáo này, Nga và Mỹ đứng đầu trong việc cung cấp vũ khí cho các nước đang phát triển.
Tính tổng cộng, Mỹ ký các hợp đồng cung cấp phần cứng quân sự trị giá 115 tỉ USD cho các nước đang phát triển trong thời gian đó (đạt 46,3 % tổng giá trị) còn Nga đạt 41, 7 tỉ USD (đạt 16,8%).
Tổng thống Putin quyết tâm hiện đại hóa quân đội Nga |
Lenin từng nói "phương đông giúp chúng ta chinh phục phương tây"
Sự trỗi dậy của một thế giới đa cực mà Moscow cổ vũ mạnh mẽ cũng tạo lợi thế cho Nga. William Kucera và Eva Pejsova thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (ở Thái Lan) giải thích mối quan hệ chiến lược Nga-Malaysia, trong một báo cáo mang tựa “Những đối tác lặng lẽ của Nga ở Đông Nam Á”:
“Quyền lợi của Malaisia liên kết với Nga có từ những năm 1970. Thời Thủ tướng Mahathir Mohamed, ông có chính sách dân túy và Malaysia chuyển từ chính sách thân phương tây sang tính trung lập không liên kết, hợp tác với các nước không phải phương tây. Lo ngại sự bền vững hậu Chiến tranh Lạnh và hệ thống thế giới đơn cực do Mỹ thống lĩnh, ngày nay chính quyền Malaysia chọn cách tái cân bằng phân phối quyền lực trong khu vực bằng cách ủng hộ các cường quốc không phải phương tây đang trỗi dậy”.
Các nước từng liên kết với phương tây thời Chiến tranh Lạnh nay công khai làm bạn với Nga. Sự lãnh đạo quyết đoán của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một yếu tố khiến Nga có lại uy tín với người châu Á vốn đề cao sự ổn định và an ninh hơn nền dân chủ hỗn loạn của phương tây.
Năm 2010, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng phát biểu tại một diễn đàn khu vực: “Các nước ASEAN đánh giá cao vai trò của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương, khi họ xem nước Nga chúng tôi là yếu tố của sự ổn định chiến lược và phát triển kinh tế bền vững”.
Nữ chuyên gia Elena S. Martynova của Đại học nghiên cứu kinh tế quốc gia (Nga) viết: “Ở các nước ASEAN, Nga không gắn với bất kỳ dạng đe dọa tiềm năng nào, về cả kinh tế lẫn quân sự. Vì thế, Nga có thể tự giới thiệu với Đông Nam Á là một đối tác tin cậy và có tinh thần trách nhiệm, mở cửa với sự hợp tác chân thực với tất cả các nước”.
Rodolfo C. Severino viết trong bài báo “Nga, ASEAN và Đông Á: “ASEAN chớ nên quên rằng Nga là một cường quốc chính trị, quân sự, tiến bộ về khoa học và công nghệ, mang tầm chiến lược quan trọng, có tầm ảnh hưởng trong mọi vấn đề liên quan Đông Á”.
Và trong bối cảnh Mỹ-TQ xung đột, Mỹ-Nga có chiến tranh ủy nhiệm, sự dấn thân của Nga với ASEAN sẽ chỉ càng phát triển. Như lãnh tụ Vladimir Lenin đã nói: “Chúng ta hãy quay mặt về châu Á. Phương đông sẽ giúp chúng ta chinh phục phương tây”.
Theo Vĩnh Thụy (Một Thế Giới)