Vào lúc này một tinh thần lạc quan đang bao trùm lên mối quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN- Australia. Có ít nhất năm cơ sở cho sự lạc quan này.
Thứ nhất, đây là một mối quan hệ đối tác hợp tác đã được kiểm chứng qua thời gian.
Năm 1974, Australia trở thành đối tác đầu tiên của ASEAN trong số 10 đối tác hiện nay của Hiệp hội.
Trên cơ sở thành công, sau 40 năm, năm 2014, hai bên quyết định nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược. Cùng năm đó, hai bên nhất trí tổ chức Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hai năm một lần để duy trì sự tương tác chiến lược và chính trị.
Về kinh tế, trong hai năm 2016-2017, thương mại hai chiều đã gần chạm mốc 100 tỷ USD, vượt lên trên hai đối tác hàng đầu khác của ASEAN là Mỹ và Nhật Bản.
Hiện nay ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Australia. Hàng năm khoảng 1,3 triệu khách du lịch từ các nước ASEAN thăm Australia và khoảng 3 triệu khách từ Australia đến ASEAN.
Tính đến cuối 2017, Australia đã đầu tư với số vốn khoảng 40 tỷ USD và nằm trong nhóm những nước viện trợ phát triển nhiều nhất cho ASEAN.
Thứ hai, tuy đã đạt nhiều thành công nhưng dư địa và tiềm năng hợp tác giữa Australia và ASEAN còn lớn. Hai bên tỏ ra là những đối tác xứng tầm. Úc có thế mạnh về công nghệ, giáo dục và trình độ phát triển kinh tế. ASEAN giữ ưu thế về quy mô thị trường, tốc độ phát triển và vai trò của tác nhân kết nối khu vực.
Đáng chú ý, cùng với tốc độ tăng trưởng là sự phát triển ấn tượng của ASEAN trong lĩnh vực tiêu dùng, đô thị hóa và internet. Với thị trường hơn 600 triệu dân, trong 10 năm qua, GDP của ASEAN đã tăng gấp đôi lên con số 2500 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020 ASEAN sẽ thuộc tốp 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo đà này, dự báo đến 2030, tầng lớp trung lưu của ASEAN có thể tăng gấp 4 lần con số hiện nay, đạt khoảng 160 triệu người. ASEAN là cửa ngõ chính để Australia tăng cường liên kết với phần còn lại của châu Á, nhất là các liên kết đa phương mà Australia là quốc gia có những cam kết mạnh mẽ.
Ở phía ngược lại, là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, GPD đầu người đứng thứ 6, chỉ số phát triển con người HDI đứng thứ 2, chắc chắn Australia là đối tác ưu thích không chỉ của các nước ASEAN.
Tính bổ sung cao về kinh tế và chiến lược của hai bên đã tạo thành những động lực phát triển lâu dài và bền vững. Để tạo thêm hiệu ứng hợp tác với toàn Hiệp hội, Australia cũng tích cực thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên, tiêu biểu như việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm chiến lược nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thứ ba, cả Australia và ASEAN đều đã ý thức được những hạn chế của mỗi bên và đang nỗ lực khắc phục.
Gần đây Australia cũng tự nhận thấy là cần hành động nhiều hơn, để tranh thủ cơ hội, phòng tránh bất lợi, giảm tính bất ngờ do sự thay đổi cán cân lực lượng khu vực. Australia đã chủ động hơn trong việc xử lý tính khó đoán định về chính sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump hay đối với các đề xuất quy mô lớn như Vành đai Con đường của Trung Quốc. Do phát triển khiêm tốn so với các lĩnh vực khác, gần đây Australia đã có kế hoạch thúc đẩy hơn hợp tác quốc phòng-an ninh.
Hiện nay Australia đang giúp quân đội Philippines tổ chức huấn luyện trong môi trường tác chiến mới. Hợp tác chống khủng bố, cướp biển, buôn bán người giữa Australia và ASEAN có thể được phát huy sang các lĩnh vực khác, ví dụ trong nâng cao năng lực giám sát biển.
Nhận thấy sự trùng lắp trong một số hoạt động chung tại ASEAN, Australia đang tìm cách để hỗ trợ cải thiện hiệu quả, ví dụ giúp ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines phối hợp tuần tra nhịp nhàng hơn tại vùng biển Sulu. ASEAN cũng có những “nét đứt gãy” khác như học giả Australia, Euan Graham, Viện Lowry nhận định, ví dụ trong phát huy sức mạnh tập thể của Hiệp hội. Nỗ lực duy trì sự đoàn kết nội khối không chỉ đem đến giá trị cho bản thân ASEAN mà cũng là điều Australia thực sự trông chờ và ủng hộ.
Thứ tư, cả hai bên chia sẻ nhiều giá trị trong tầm nhìn chính trị chiến lược lâu dài đối với quan hệ song phương cũng như với toàn khu vực.
ASEAN đang nỗ lực đóng vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực. Các cơ chế do ASEAN dẫn đắt như Thượng đỉnh Đông Á, ARF, ADMM+… tạo thuận lợi cho việc dung hòa lợi ích của các nước trong khu vực, kể cả các nước lớn. Chẳng hạn, cho đến nay ARF vẫn là diễn đàn an ninh duy nhất tại châu Á-Thái Bình Dương tập hợp được tất cả các nước lớn và có thể trao đổi về tất cả các điểm nóng an ninh trong khu vực.
Về phía Australia, không chỉ là quốc gia có nhiều ý tưởng hợp tác chính trị-an ninh (ví dụ trước đây là ý tưởng Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương – APC, ý tưởng cường quốc tầm trung) mà còn là nước đi đầu trong việc thúc đẩy những giá trị được nhiều quốc gia chia sẻ.
Cả ASEAN và Australia đều thể hiện vai trò trách nhiệm, tích cực trong việc thúc đẩy các mục tiêu chung của khu vực như an ninh, hòa bình, thịnh vượng, an toàn, tự do hàng hải,hàng không. Hai bên đều phản đối những hành vi có thể dẫn đến xung đột, đối đầu, các tư tưởng cực đoan và chủ nghĩa cường quyền. Sách trắng Ngoại giao của Australia năm 2017 hơn 80 lần nêu khái niệm “trật tự dựa trên luật pháp”.
Thứ năm, định vị lợi ích và giá trị chung một cách phù hợp, không chỉ dừng lại trong khuôn khổ song phương và khu vực, đối tác Australia - ASEAN đang góp phần làm cho quan hệ quốc tế trên thế giới đa dạng hơn và bền vững hơn.
Sự tồn tại và phát triển của đối tác ASEAN- Australia như một minh chứng sinh động rằng thế giới không chỉ có nước lớn, nước nhỏ mà còn có các nước tầm trung, các tập hợp đa dạng khác, với vai trò năng lực xứng đáng được các bên tôn trọng. Ủng hộ chủ nghĩa khu vực mở, dung nạp, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, Australia và ASEAN đang chứng tỏ đây là những nguyên lý tổ chức có thể góp phần bảo đảm an ninh, hòa bình và thịnh vượng. Tư duy đóng cửa, phân cực và chia rẽ sẽ gây bất lợi cho tất cả, các nước dễ rơi vào thế kẹt, phải chọn phe và bị thu hẹp không gian an ninh và phát triển.
Về kinh tế-thương mại, việc dựng lên các rào chắn, các biện pháp bảo hộ và áp dụng những tiêu chuẩn không đồng bộ sẽ hạn chế trao đổi vật chất cũng như khả năng phát huy lợi thế so sánh riêng. Logic của nền kinh tế dựa trên quy mô sẽ càng phát huy tác dụng nếu nó được đồng bộ hóa bằng tiêu chuẩn cao.
Hiệp định CPTPP mà Australia ký kết với 10 nước, trong đó có 4 thành viên ASEAN ngày 8/3 vừa qua, một câu chuyện thành công, là được thiết kế để cùng đua lên đỉnh, chứ không phải để đua xuống đáy.
Liên kết ASEAN-Australia diễn ra trong bối cảnh khu vực, thế giới có nhiều phần khó đoán định. Nhưng với cách tiếp cận và trên những cơ sở như vậy, hai bên hoàn toàn có thể lạc quan tin tưởng vào triển vọng sẽ đạt tới những thành công vượt bậc trong thời gian tới.
Theo Thạch Hà (VietNamNet)