Áp sát ngoài đảo và bữa tối bất thành ở Washington DC

27/10/2015 10:32:57

Sau bữa tối của Obama và Tập Cận Bình cùng các cố vấn thân cận nhất đêm 24/9 tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ được cho là đã bật đèn xanh cho hải quân đưa tàu áp sát các đảo nhân tạo.

Sau bữa tối của Obama và Tập Cận Bình cùng các cố vấn thân cận nhất đêm 24/9 tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ được cho là đã bật đèn xanh cho hải quân đưa tàu áp sát các đảo nhân tạo.

Đêm 24/9, Tổng thống Obama sắp xếp ăn tối không chính thức với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Các đô đốc Hải quân Mỹ vẫn tuyên bố với báo giới họ cần cái gật đầu của Nhà Trắng thì mới có thể đưa tàu vào 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. Nhưng theo các nguồn tin mới nhất của Nikkei thì có vẻ như quyết định này đã được Nhà Trắng đưa ra từ rất lâu.

Theo nguồn tin này, Tổng thống Obama đã hy vọng có thể vượt qua bất đồng với phía Bắc Kinh nên đã kỳ công sắp xếp thêm bữa ăn tối không chính thức với ông Tập Cận Bình đêm 24/9 trước ngày gặp chính thức ông Tập ở Nhà Trắng. Trong bữa tối này, việc Trung Quốc lấn đất ngoài Biển Đông là một trong những vấn đề chủ chốt được nêu.

Việc Bắc Kinh lấn đất ngoài biển từ lâu đã là vấn đề hết sức căng thẳng giữa các bên, câu chuyện còn phức tạp thêm khi Bắc Kinh có những động thái quân sự hoá một số đảo này như cho súng cối, xây dựng sân bay trên đảo nhân tạo.

Trong bữa tối đó, Tổng thống Obama đã đề cập vấn đề kể trên rất sâu và yêu cầu ông Tập ngưng các hoạt động quân sự hoá các đảo ngay lập tức. Đáp lại, chủ tịch Trung Quốc phớt lờ hoàn toàn các đề nghị của ông Obama, coi như không nghe thấy.
Sau bữa tối, ông Obama được cho là rất tức giận, ngay lập tức yêu cầu trợ lý liên lạc với đô đốc Harry Harris, tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương. Và ngay lúc đó, tổng thống Mỹ đã bật đèn xanh cho hải quân tiến hành đưa tàu vào áp sát các đảo nhân tạo.

Theo luật quốc tế, lãnh hải của một nước kéo dài thêm 12 hải lý từ bờ. Động thái áp sát đảo của Mỹ được cho là thông điệp với Trung Quốc và các nước láng giềng rằng Mỹ không thừa nhận chủ quyền Trung Quốc ở khu vực này.

Theo các nguồn tin thì quân đội Mỹ đã sẵn sàng cho kế hoạch này kể từ tháng 6. Giới tướng lĩnh Mỹ khi đó muốn hành động ngay lập tức nhưng Tổng thống Obama không chấp thuận bật đèn xanh thời điểm đó.

Ông Obama vẫn hy vọng cuộc gặp mặt đối mặt với Tập Cận Bình có thể dàn xếp được bất đồng và Hải quân Mỹ không cần tới bước nhấn như vậy. Cũng trong mùa hè, báo chí Mỹ bắt đầu nói về bất đồng giữa Nhà Trắng với Hải quân Mỹ trong chính sách với Bắc Kinh: Hải quân Mỹ muốn cứng rắn hơn trong khi Nhà Trắng chỉ muốn mềm mỏng.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 1/9 cho thấy các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe

Theo chiến lược gia quân sự Edward Luttwak thì Obama đã nhận ra rằng thái độ hòa hoãn không khiến Bắc Kinh hợp tác. Và việc tàu Mỹ áp sát các đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ là bước ngoặt lớn trong thay đổi chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Theo báo Nikkei, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á từ lâu đã liên tục thúc giục Washington đưa tàu vào khu vực. Theo các nước này thì ổn định ở khu vực phụ thuộc rất lớn vào việc Washington đáp trả lại những nỗ lực bành trướng của Trung Quốc ở ngoài biển.

Mới đây nhất, Nhật Bản cũng đã thông qua đạo luật về quyền tự vệ tập thể trong đó cho phép quân đội Nhật tham chiến hỗ trợ nếu đồng minh bị tấn công.

Giới quan sát từ lâu vẫn chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama quá mềm mỏng trong đối phó với Bắc Kinh. Bắc Kinh được cho là đang tận dụng cơ hội này để đẩy mọi bước tiến có thể ngoài Biển Đông trong những tháng cuối cùng còn tại nhiệm của ông Obama.
 
>> Trung Quốc phản ứng khi Mỹ điều tàu gần đảo nhân tạo
>> Khu trục hạm Mỹ đang tiến vào gần đảo nhân tạo Trung Quốc

Theo Thanh Tuấn (Zing.vn)

Nổi bật