Chuyến đi diễn ra giữa lúc thông tin tình báo của Mỹ phủ bóng nghi ngờ lên ý định giải giáp chương trình hạt nhân và tên lửa của Chủ tịch Triều Tiên.
Ông Pompeo công bố rất ít chi tiết về các cuộc đàm phán đang diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim ở Singapore ngày 12/6. Tuy vậy, hãng tin CNN dẫn lời các chuyên gia nhận định Ngoại trưởng Mỹ biết mình phải trở về sau chuyến thăm lần 3 này với các kế hoạch cụ thể cho con đường phía trước.
"Ông Pompeo đã tới Bình Nhưỡng 2 lần và rời đi với rất ít dấu hiệu chứng tỏ lợi ích cốt lõi của Mỹ về giải trừ hạt nhân", CNN dẫn lời John Hannah, cố vấn cấp cao của Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ và là cựu cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Warren Christopher dưới thời Tổng thống Bill Clinton. "Sẽ không có lần 3 nếu nhà lãnh đạo Kim Jong Un hiểu rằng sẽ có những hậu quả của việc gia tăng chiến lược "áp lực tối đa", và chắc chắn không có triển vọng một cuộc gặp thượng đỉnh nào nữa với Tổng thống Trump".
Ngoại trưởng Mỹ từng nói với CNN rằng, ông không muốn đặt ra một khung thời gian đàm phán. Tuy vậy, ông muốn chứng kiến sự tiến bộ không ngừng chứng tỏ Kim Jong Un nghiêm túc từ bỏ chương trình hạt nhân, và ông dự kiến sẽ thảo luận các bước đi tiếp theo trong cuộc gặp tuần này.
Theo CNN, Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ tin ông Kim Jong Un không có ý định ràng buộc vào một chương trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, ít nhất là lúc này. Trước đó, báo Washington Post đưa tin, các quan chức tình báo Mỹ nghi ngờ chuyện Triều Tiên định từ bỏ toàn bộ kho vũ khí, và hình ảnh vệ tinh thương mại mới cho thấy có một số hoạt động đang diễn ra tại nhiều cơ sở tên lửa - nhiên liệu hạt nhân khác nhau của Triều Tiên.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với CNN rằng, họ không ngạc nhiên trước điều này vì Bình Nhưỡng có thể đang "chơi rắn" trước khi đàm phán bắt đầu. Cũng theo quan chức này, người Triều Tiên biết họ cần có bằng chứng chứng tỏ sự nghiêm túc của mình.
Theo CNN, gần như tất cả các quan chức có kinh nghiệm của Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ làm việc về vấn đề Triều Tiên, trong đó có Ngoại trưởng Pompeo, hiện tại vẫn nghi ngờ thành ý muốn phi hạt nhân hóa của ông Kim Jong Un. Họ cho rằng cần theo đuổi đàm phán nhưng thử thách rất cam go.
Trở lại Bình Nhưỡng lần này, Ngoại trưởng Mỹ còn phải đối mặt với một thách thức khác. Mỹ tuyên bố nếu Triều Tiên lần lữa trong cam kết giải trừ hạt nhân, nước này sẽ phải đối mặt với sự gia tăng chiến dịch "áp lực tối đa".
Nhưng ông Kim đã tỏ ra rất thận trọng để bảo vệ thế mạnh của mình sau cuộc gặp với ông Trump, đã tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ít ngày sau hội nghị ở Singapore. Trong tương lai gần, ông cũng sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chiến lược ngoại giao này có thể giúp lãnh đạo Triều Tiên có khoảng trống để hóa giải chiến lược "áp lực tối đa", đặc biệt là với Trung Quốc.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)