“Đây là đề xuất của chính phủ trước đó. Tôi có thể xác nhận rằng chính phủ (hiện nay) sẽ không theo đuổi quan điểm đó, cho rằng đây là vấn đề để tòa án quyết định”, phát ngôn viên của Chính phủ Anh do Công đảng lãnh đạo cho biết.
Tháng 5 năm nay, Công tố viên Karim Khan của ICC thông báo việc ông kiến nghị toà án này ban lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và 3 lãnh đạo Hamas, trong đó có thủ lĩnh Yahya Sinwar, với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
ICC không có phương tiện thực thi quyết định, nhưng các thành viên ICC có nghĩa vụ hợp tác đầy đủ với các quyết định của tòa. Nếu lệnh bắt giữ được ban hành, ông Netanyahu và những người còn lại có thể bị bắt khi đi đến 124 quốc gia thành viên ICC, trong đó có Đức và Vương quốc Anh.
ICC phải xem xét kiến nghị của các cường quốc trước khi đưa ra quyết định có ban lệnh bắt giữ hay không.
Trong chiến dịch tấn công trả đũa của Israel vào Dải Gaza, hơn 39.000 người Palestine đã thiệt mạng và 90.403 người khác bị thương, theo số liệu của cơ quan y tế địa phương.
Công đảng và Thủ tướng Keir Starmer, người vốn là luật sư nhân quyền, đang đối mặt với áp lực từ những người ủng hộ phải có lập trường cứng rắn hơn về cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Ngày 25/7, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố sẽ "không im lặng" về sự thống khổ của người dân ở Dải Gaza, sau khi bà có cuộc gặp ông Netanyahu tại Washington.
Israel và Mỹ không phải là thành viên của ICC. Tuy nhiên, ICC tuyên bố có thẩm quyền đối với Dải Gaza, Đông Jerusalem và Bờ Tây sau khi các nhà lãnh đạo Palestine đồng ý chịu ràng buộc bởi các nguyên tắc sáng lập của tòa án này năm 2015.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)