RT cho biết, vụ áp sát tàu Nga được Hải quân Anh tiến hành hôm 1/6, tại thời điểm diễn ra vụ việc, tàu nghiên cứu Yantar của Hạm đội Phương Bắc (Nga) đi qua Eo biển Mache thì bất ngờ bị khu trục hạm HMS Dimond tiếp cận để giám sát.
Chưa yên tâm trong nhiệm vụ bám sát của tàu Nga, Hải quân Anh đã gọi thêm trợ thủ là trực thăng tấn công Wildcat theo sát tàu Nga. Cuộc rượt đuổi chỉ kết thúc khi tàu Yantar tránh xa lãnh hải của Anh.
Phản ứng trước việc Anh điều chiến hạm và trực thăng hạng nặng áp sát, Nga cho rằng đây là hành động không cần thiết và lo lắng thái quá của London bởi tàu Yantar không phải là tàu chiến hay là "cỗ máy giết người".
Tuy nhiên, chừng đó không khiến người Anh yên lòng bởi trước đó, Mỹ từng nhiều lần lo phát sốt vì chính chiếc tàu nghiên cứu biển Yantar của Nga. Theo nguồn tin tình báo của Lầu Năm góc, tàu nghiên cứu hải dương Yantar của Nga thường xuyên xuất hiện ở ngoài vùng biển quốc tế, ở vịnh Kings, bang Georgia, cách bờ biển nước Mỹ khoảng 300 dặm (khoảng 483 km).
Đại diện Lầu Năm Góc, Trung tá Tom Crosson nói: "Tôi có thể xác nhận rằng, các tàu Nga hoạt động trong vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển phía Đông của Mỹ".
Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng, tàu Yantar đang tiến hành thu thập dữ liệu về cảm biến dưới nước và các thiết bị khác được sử dụng trên các tàu ngầm Mỹ. Thậm chí, giới chức quân sự Mỹ nghi ngờ tàu nghiên cứu hải dương Yantar được trang bị các thiết bị để theo dõi sâu.
"Có vẻ như người Nga sẽ sử dụng cảm biến dưới nước để vạch ra kế hoạch phòng thủ nhằm chuẩn bị cho các hoạt động tương lai", Steffan Watkins, một nhà phân tích tình báo nhận định về sự chuyển động của tàu Nga.
Trong khi đó, tình báo Mỹ khẳng định rằng sẽ theo dõi tàu Yantar trong mọi hành trình khi nó tiến gần bất cứ khu vực nào gần lãnh hải Mỹ. Lầu Năm Góc cho rằng, tàu Yantar, thuộc Dự án 22010, được thiết kế để tiến hành các hoạt động nghiên cứu và cứu hộ tại các vùng biển sâu.
Tàu dài 108,1m, rộng 17.2m, do Cục thiết kế hàng hải Almaz ở St. Petersburg thiết kế và phát triển. Hệ thống động cơ đẩy của tàu bao gồm 2 chân vịt định bước cố định và 2 chân vịt mũi, giúp tàu có khả năng cơ động hơn.
Tàu được trang bị các thiết bị hiện đại và mới nhất để tiến hành nghiên cứu và khảo sát sinh học, vật lý, địa vật lý... Đây là hai thiết bị lặn quân sự nhỏ hơn chút ít so với tàu lặn Mirs nổi tiếng của Nga, nhưng lại có thể lặn sâu hơn. Trong các cuộc thử nghiệm, tàu lặn Konsul đã lặn sâu đến 6.270m.
Ông Alexei Burilichev, người đứng đầu cục nghiên cứu nước sâu thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết:
"Tàu Yantar được trang bị một tổ hợp nghiên cứu khoa học độc đáo cho phép nó thu thập dữ liệu về môi trường biển, cả khi di chuyển và dừng lại. Không có tổ hợp tương tự nào trên thế giới".
Theo Tuấn Vũ (Báo Đất Việt)