Giới chính khách thế giới cho rằng, việc cử tri Anh quyết định rút khỏi EU có thể tạo ra hiệu ứng domino ở châu Âu. Nhưng thực tế, không phải nước nào cũng muốn làm theo Anh.
Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn cùng các bộ trưởng Anh từng nhắc tới khả năng hiệu ứng domino có thể xảy ra ở Đông Âu sau Brexit, với Swexit, Fraxit, Dutxit, Itexit... Theo họ, việc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu EU sẽ gây bất ổn cho phần còn lại của châu Âu vào thời điểm mà phe dân túy khai thác mối quan tâm của dân chúng về cuộc khủng hoảng người tị nạn và bất ổn trong khu vực đồng euro.
Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từng cảnh báo việc Anh rút khỏi EU có thể là "khởi đầu của tiến trình hủy diệt không chỉ EU mà cả nền văn minh chính trị phương Tây”. Giờ đây, nỗi sợ hãi ngày càng lớn dần sau quyết định Anh sẽ "dứt tình" với EU trong cuộc bỏ phiếu với sự tham gia của 46,5 triệu cử tri hôm 23/6.
Cử tri Anh đã ra quyết định để nước này rời khỏi EU. Ảnh: BBC |
Theo Washington Post, dự đoán về việc EU có thể tan rã sau quyết định lịch sử của Anh nghe có vẻ hơi xa vời nhưng chắc chắn tại một số nước, nhu cầu về một cuộc bỏ phiếu tương tự Anh lại được dịp hâm nóng.
Thụy Điển
Anh và Thụy Điển có nhiều điểm tương đồng. Cũng giống Anh, Thụy Điển không dùng đồng euro mà vẫn giữ tiền tệ chính thức của quốc gia. Mức độ đồng thuận giữa Anh và Thụy Điển trước các vấn đề chính trị của EU là 90%.
Việc đảng cánh tả ở Thụy Điển giành được lợi thế trong chính trường nước này khiến nhiều người liên tưởng tới sự trỗi dậy của đảng Độc lập Anh (UKIP), phe ủng hộ chiến dịch Brexit (Anh rời EU), thời gian qua.
Brexit làm gia tăng mối lo ngại rõ nét tại Thụy Điển. Hầu hết người Thụy Điển có ấn tượng tích cực về EU. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi Anh chọn cách rời bỏ khối. Trong trường hợp này, một trong những câu hỏi chính được đặt ra là liệu giới lãnh đạo EU có cố gắng tăng cường sự gắn kết bằng cách đẩy mạnh hợp tác và tập trung vào các thành viên nòng cốt, hay là nới lỏng khối để cho phép chính phủ các nước có tiếng nói hơn.
Thụy Điển sẽ ngày càng nghi ngờ về việc liệu tiếng nói của một quốc gia nhỏ và không sử dụng đồng euro như họ sẽ vẫn được lắng nghe ở Brussels hay không, khi EU vẫn tiếp tục quá trình gắn kết.
Một Swexit (Thụy Điển rời EU) tiềm tàng có thể diễn ra trong tương lai sau Brexit, khảo sát của Sifo Research International, cho hay. Theo đó, 36% người dân nước này muốn nối gót Anh rời EU. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn người Thụy Điển muốn ở lại khối.
Đan Mạch
Cũng giống trường hợp Thụy Điển, hai vấn đề đặc biệt có thể tác động tới cử tri Đan Mạch về việc đi hay ở EU. Thứ nhất, người Đan Mạch lo ngại dòng chảy nhập cư có thể đe dọa hệ thống phúc lợi quốc gia. Thứ hai, Đan Mạch luôn coi Anh là đồng minh lớn khi đàm phán với EU bởi hai nước có quan điểm chính sách tương đồng.
“Nếu không có Anh, Đan Mạch sẽ mất đầu tàu để lai dắt lợi ích”, Marlene Wind, nhà khoa học chính trị của Đại học Copenhagen nhận định vớiBloomberg.
Tháng 12/2015, người dân Đan Mạch đã bỏ phiếu quyết định không giao nhiều quyền cho EU. Tuy nhiên, chỉ riêng cuộc trưng cầu đó không đủ để dự đoán liệu người dân nước này có thực sự muốn bỏ phiếu rời khỏi EU hay không.
Hy Lạp
Với Hy Lạp, cuộc tranh luận về khủng hoảng nợ công đã tạm lắng nhưng không sớm thì muộn nó sẽ quay trở lại. Tờ Kathimerini của Hy Lạp lo ngại cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở nước này kết hợp với việc Anh rời khỏi EU có thể trở thành mối đe dọa đối với tư cách thành viên của Hy Lạp trong khối 28 nước.
“Mối quan tâm chính của Athen là chiến thắng cho phe ‘rời EU’ sẽ làm suy yếu quyết tâm của khu vực đồng euro nhằm củng cố vị trí của Hy Lạp trong nhóm này, điều vốn đòi hỏi thêm nhiều biện pháp và mức độ hợp nhất cao hơn hiện tại”, tờ báo lập luận.
Hy Lạp không lo về một cuộc bỏ phiếu chống EU mà chỉ quan tâm tới việc khối đang đẩy nước này khỏi khối. Ảnh: Getty |
Wolfango Piccoli, giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn rủi ro Teneo Intelligence nhận định: “Hy Lạp phụ thuộc vào việc các nước chia sẻ gánh nặng nhiều hơn trong một khu vực đồng euro hợp nhất. Tuy nhiên, điều này vẫn xa vời sau Brexit”.
Tóm lại, những gì Hy Lạp lo lắng nhất không phải là một cuộc trưng cầu chống EU do các đảng cánh hữu gây tác động, mà là việc EU đang đẩy Hy Lạp ra khỏi khối nhằm cứu lấy sự gắn kết giữa các thành viên còn lại.
Áo
Theo khảo sát gần đây do hãng Peter Hajek Opinion Strategies thực hiện, 40% người Áo muốn tổ chức trưng cầu dân ý về việc là thành viên của EU và 38% ủng hộ nước này rời EU (hay còn gọi là Auxit).
Cuộc khảo sát với 700 người chỉ ra những người ủng hộ lớn nhất trong cuộc trưng cầu ở Áo là những người ủng hộ phe cánh hữu và Đảng Tự do hoài nghi EU. “Chúng ta cần một cuộc trưng cầu tương tự ở Anh, vì vậy những người Áo có thể quyết định”, Robert Marschall, lãnh đạo Đảng EU Exit (Áo) tuyên bố.
Hà Lan
Trong khi đó, cuộc thăm dò hồi tháng 2 cho thấy 52% người Hà Lan muốn tổ chức Nexit.
Geert Wilders, người đứng đầu đảng cực hữu theo đường lối dân túy, ủng hộ Brexit và hy vọng một cuộc bỏ phiếu tương tự sẽ diễn ra tại Hà Lan. “Chúng tôi muốn toàn quyền chịu trách nhiệm về chính sách nhập cư, tiền, biên giới của và đất nước của mình. Càng sớm càng tốt, Hà Lan phải có cơ hội lên tiếng về tư cách thành viên của mình trong EU", ông nói.
Một người đàn ông Anh cầm cờ EU với nét mặt buồn bã sau khi biết kết quả cuộc trưng cầu. Ảnh: BBC |
Theo chính trị gia đang là ứng viên sáng giá cho chức vị thủ tướng Hà Lan năm 2017, tình trạng nhập cư và chủ nghĩa Hồi giáo là trở ngại cho Hà Lan hiện nay. “Nếu muốn tồn tại dưới đúng nghĩa một quốc gia, chúng ta phải ngăn chặn tình trạng nhập cư và Hồi giáo hóa. Chúng ta không thể làm điều đó khi ở trong Liên minh châu Âu”, ông Wilders nhận định.
Hungary
Đối với Hungary, một cuộc trưng cầu nhằm quyết định nước này đi hay ở EU sẽ không đáng quan tâm bằng việc bỏ phiếu, gián tiếp đặt câu hỏi về quyền hành của Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về việc nên thực hiện kế hoạch phân hạn ngạch thu nhận người di cư cho các quốc gia thuộc EU, mà trước đó khối đã áp đặt cho những nước thành viên như Hungary. Một cuộc bỏ phiếu như vậy có thể làm tổn hại sự gắn kết giữa các thành viên trong liên minh.
Pháp
Pháp là một trong những quốc gia hay hoài nghi nhất về EU, với 61% người dân nhìn liên minh bằng con mắt thiếu thiện cảm (con số này ở Hungary là 37%).
Việc Anh bỏ phiếu quyết định rời hay ở lại EU đã tạo ra làn sóng chấn động khắp các đảng chính trị lớn ở Pháp. Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc, người hội đủ điều kiện cho vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, vừa bị bắt giam cách đây ít ngày vì chiến dịch kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tương tự Anh nếu bà thắng cử.
Phát biểu trên truyền hình ngày 23/6, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh là bài sát hạch khó khăn đối với châu Âu và là "đòn giáng mạnh" vào EU. Ảnh: Reuters |
Theo bà Le Pen, Pháp có hơn 1.000 lý do để rút khỏi EU. "Chúng ta đã tham gia EU, khối Schengen. Cho dù kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh Brexit có như thế nào thì nó cũng chứng tỏ rằng Liên minh châu Âu EU đang thực sự chia rẽ, các vết nứt đang ở khắp nơi", lãnh đạo đảng cực hữu Pháp nhấn mạnh.
Ngoài Đức, Pháp là quốc gia đóng góp nhiều nhất vào động lực phát triển của châu Âu. Tuy nhiên, nước này cũng phải đối mặt với vô số vấn đề gồm nền kinh tế yếu kém, đe dọa khủng bố cao. Nguyên nhân của hiện trạng này được đổ do EU hoặc các điều kiện mà các thành viên khác đặt ra. Do đó, một cuộc trưng cầu với kết quả Pháp rút khỏi EU được nhiều người coi là cách giúp nước này thoát khỏi tình hình hiện nay. Một cuộc thăm dò hồi tháng 3 của Đại học Edinburgh cho thấy, 53% người Pháp ủng hộ việc tổ chức trưng cầu đi hay ở EU.
Scotland - trường hợp đặc biệt
Scotland bỏ phiếu để trở thành một phần của Vương quốc Liên Hiệp Anh vào năm 2014, nhưng nước này chủ yếu ủng hộ EU. Trong khi đó, kết quả bỏ phiếu ngày 23/6 lại trái ngược suy nghĩ của người Scotland.
Nicola Sturgeon, Bộ trưởng Thứ nhất của ScotlandẢnh: BBC |
Theo New York Times, nếu Brexit trót lọt, thì một Scexit cũng có thể hình thành. Nicola Sturgeon, Bộ trưởng Thứ nhất của Scotland, từng nói, nếu Anh bỏ phiếu để rời khỏi EU, Scotland sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu tách khỏi Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland rồi sau đó tái gia nhập EU với tư cách là một quốc gia độc lập. Và đúng như vậy, ngay sau khi có kết quả về cuộc trưng cầu, bà Sturgeon xác nhận rằng, “nhiều khả năng” điều đo sẽ xảy ra.
Theo H.Anh (Zing.vn)