"Việc tham gia CPTPP sẽ tạo cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Anh, vốn không còn là một phần của Liên minh châu Âu (EU), và làm sâu sắc hơn mối quan hệ của chúng tôi với một số thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới", Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss hôm 30/1 cho hay, thêm rằng đơn xin gia nhập sẽ được đệ trình vào ngày 1/2.
CPTPP được ký kết năm 2018, có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Hiệp định gồm 11 nước thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam. Tổng cộng, các nước này có 495 triệu dân và đóng góp 13,5% GDP toàn cầu. Nếu có thêm sự tham gia của Anh, tỷ lệ này sẽ là 16%.
Anh đã nghiên cứu khả năng gia nhập CPTPP từ đầu năm 2018, nhằm kích thích xuất khẩu hậu Brexit. Nếu thành công, họ sẽ là quốc gia đầu tiên trong CPTPP không giáp Biển Đông hoặc Thái Bình Dương.
"Tham gia CPTPP đồng nghĩa mức thuế thấp hơn đối với các nhà sản xuất ô tô và rượu whisky, đồng thời tiếp cận tốt hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ ưu tú của chúng tôi, mang lại việc làm chất lượng và thịnh vượng hơn cho người dân ở đây", bà Truss nói. "Chúng tôi mong muốn bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức trong những tháng tới".
Mỹ là một trong những quốc gia lãnh đạo quá trình đàm phán TPP nhưng rời khỏi hiệp định vào năm 2017, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống.
CPTPP vẫn được ký kết sau đó giữa 11 nước thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)