“Xin hãy giúp tôi…” là dòng chữ đi kèm hình ảnh và một vài mô tả nhận diện về người thân của nhiều bậc cha mẹ trên mạng xã hội sau vụ nổ ở Manchester.
Xe cảnh sát và xe cứu thương đậu bên ngoài nhà thi đấu Manchester Arena - Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, sau vụ nổ đang được xử lý như một vụ tấn công khủng bố tại nhà thi đấu Manchester Arena ở thành phố Manchester (Anh), nhiều người đã phải viện tới sự giúp đỡ của cộng đồng mạng để tìm kiếm người thân bị mất tích.
Vụ nổ được xem xét như vụ "đánh bom liều chết" vào tối 22-5 đã khiến ít nhất 19 người thiệt mạng và 60 người bị thương.
“Xin mọi người chia sẻ giúp thông tin này, con gái nhỏ của tôi Emma đã tới xem chương trình biểu diễn tối nay tại #Manchester và giờ thì nó không nghe điện thoại, xin hãy giúp tôi” là một thông điệp trong số đó. Cùng với thông báo là hình ảnh một cô bé tóc vàng cài hoa trên đầu.
Một tài khoản Twitter khác là Erin:P kêu gọi mọi người giúp anh tìm kiếm cô em gái, theo mô tả của anh: “Em tôi đang mặc chiếc áo thun màu hồng và quần jean màu xanh. Tên nó là Whitney”.
Phần lớn trong số các fan hâm mộ nữ ca sĩ người Mỹ Ariana Grande là thanh thiếu niên tuổi teen hoặc nhỏ hơn. Hàng ngàn bạn trẻ và cha mẹ họ đã cùng có mặt tại Manchester Arena để xem thần tượng của mình biểu diễn.
Một tài khoản Twitter khác là Deplorable MrsK đưa lên hình ảnh một thiếu niên trẻ đang cười cho biết: “Con trai tôi đã ở Manchester Arena hôm nay. Giờ nó không nghe điện thoại của tôi! Xin hãy giúp đỡ…”.
Báo Guardian dẫn trường hợp một cô gái 17 tuổi người Philippines đang hốt hoảng đi tìm mẹ cô sau vụ nổ. Mặc dù biết người bạn trai đi cùng mẹ đã bị thương và đang được điều trị trong bệnh viện, nhưng tới giờ cô vẫn chưa tìm thấy mẹ.
Bà Paula Robinson, 48 tuổi, đang đứng ở nhà ga gần Manchester Arena cùng chồng khi vụ nổ xảy ra, cho biết bà nhận thấy rõ ràng sức chấn động của vụ nổ và thấy hàng chục thanh thiếu niên vừa la hét vừa chạy ra khỏi nhà thi đấu.
Bà nói: “Chúng tôi cũng chạy, chỉ vài giây sau vụ nổ và kéo theo các bạn trẻ chạy cùng mình”. Bà Robinson đưa hàng chục bạn trẻ nữ tới khách sạn Holiday Inn Express ở gần đó và công bố số điện thoại của mình trên mạng Twitter để phụ huynh của những em này có thể liên lạc được với con mình.
Bà cho biết kể từ lúc công bố số điện thoại, điện thoại của bà không ngừng đổ chuông.
Các thông tin đưa lên mạng xã hội cho biết khách sạn Premier Inn và các khách sạn khác ở Manchester đều đồng loạt mở cửa cho các nạn nhân tạm thời trú tránh. Có tới 60 thanh thiếu niên đã được tạm lánh ở khách sạn Holiday Inn.
Trong lúc đó, nhiều tài xế taxi tại Manchester đã tình nguyện hỗ trợ di chuyển miễn phí cho các nạn nhân muốn rời khỏi thành phố.
Đã có khoảng 21.000 người, phần đông trong đó là trẻ em và thanh thiếu niên, đã tới xem chương trình biểu diễn của nữ ca sĩ người Mỹ.
Việc nhà ga Victoria phải dừng hoạt động sau vụ nổ, và có thể sẽ còn dừng hoạt động trong cả ngày 23-5, khiến nhiều người bị mắc kẹt lại Manchester.
Do đó nhiều giờ sau khi vụ việc xảy ra, các cư dân ở thành phố miền bắc nước Anh đã chủ động tiến hành một số giải pháp hỗ trợ những người bị nạn hay còn mắc kẹt sau sự cố.
Mã chủ đề #RoomForManchester trên Twitter cũng hoạt động để hỗ trợ miễn phí giường ngủ và ghế nằm tạm, đồ ăn thức uống cho những người không may còn mắc kẹt lại sau vụ việc.
Nghi vụ nổ bom ở Manchester là do đánh bom liều chết Theo hãng tin Reuters, trao đổi với họ ngày 22-5, hai quan chức Mỹ giấu tên cho rằng, những dấu hiệu ban đầu cho thấy một kẻ đánh bom liều chết đã gây ra vụ nổ tại nhà thi đấu ở thành phố Manchester. Nếu vụ việc được xác nhận là một vụ tấn công khủng bố, đây sẽ là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại Vương quốc Anh kể từ vụ đánh bom ở thủ đô London ngày 7-7-2005. Trong vụ đó 4 kẻ đánh bom liều chết đã sát hại 52 người trên 3 tàu điện ngầm và một xe buýt. Báo Guardian dẫn thông cáo của Bộ an ninh nội địa Mỹ cho biết họ đang “theo dõi sát tình hình tại Manchester Arena” và theo đó cũng có thể sẽ “tăng cương thêm an ninh” tại các khu vực công cũng như những sự kiện âm nhạc diễn ra tại Mỹ. |
Theo Kim Thoa (Tuổi Trẻ)