Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson xác nhận thông tin này trong bài phát biểu hôm 11/2.
Trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Quân chủng Thống nhất Hoàng gia (RUSI) tại London, ông Williamson cho rằng Anh là nhà đầu tư lớn thứ hai trong khu vực và nước này phải thể hiện "quyền lực cứng" và "khả năng sát thương" nhằm bảo vệ lợi ích.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trị giá 3 tỷ bảng Anh (khoảng 3,9 tỷ USD) cũng sẽ tới Trung Đông và Địa Trung Hải sẽ chính thức trở thành lực lượng phức hợp giữa Anh và Mỹ.
"Số lượng đáng kể máy bay F-35 của Anh và Mỹ sẽ được triển khai vào tàu sân bay. Mục đích nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sát thương của quân đội Anh cũng như củng cố sự thực rằng Mỹ là đối tác thân cận nhất" của Anh, ông Williamson nói nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về ngày triển khai nhiệm vụ.
Trung Quốc hiện đưa ra yêu sách đối với hầu hết khu vực Biển Đông chiến lược với các tuyến đường hàng hải quốc tế và giàu tài nguyên.
Ngày 11/2, hai tàu khu trục Mỹ USS Spruance và USS Preble tiến vào áp sát Đá Vành Khăn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc sau đó tuyên bố các tàu này tiến vào khu vực mà không có sự cho phép chính thức. CNN dẫn lời người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho rằng hoạt động này nhằm "thách thức các tuyên bố hàng hải vô lý và bảo vệ việc tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế".
Trung Quốc cũng đang trong quá trình phát triển tàu sân bay của riêng nước này và hiện chỉ có một tàu có thể sẵn sàng chiến đấu. Theo Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Trung Quốc có thể sở hữu 6 tàu sân bay vào năm 2030.
Theo Hương Ly (Tri Thức Trực Tuyến)