Hãng AP đưa tin, Umar Patek - bị kết tội chế tạo chất nổ được sử dụng trong vụ đánh bom khủng bố ở đảo Bali, Indonesia, năm 2002 - đã được ân xá ngày 7/12, sau khi chấp hành một nửa bản án 20 năm.
Umar Patek (hay còn được gọi với cái tên Hisyam bin Alizein), 55 tuổi, là một phiến quân Hồi giáo hàng đầu của nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah, có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Jemaah Islamiyah chịu trách nhiệm cho vụ khủng bố ở Bali năm 2002.
Patek bị tòa án quận Tây Jakarta kết tội chế tạo một quả bom xe được kẻ khác kích nổ bên ngoài câu lạc bộ Sari ở bãi biển Kuta, đảo Bali đêm 12/10/2002. Trước đó, một quả bom nhỏ hơn được một kẻ đánh bom tự sát kích nổ gần hộp đêm Paddy’s Pub. Vụ khủng bố khiến 202 người thiệt mạng, chủ yếu là du khách nước ngoài, trong đó có 88 người Úc.
Giới chức Indonesia cho biết, Patek đã cải tạo thành công trong tù và phiến quân Hồi giáo này sẽ đóng vai trò như người tuyên truyền để các phiến quân khác quay lưng với chủ nghĩa khủng bố.
Rika Aprianti, phát ngôn viên Cục Cải huấn thuộc Bộ Tư pháp Indonesia, cho biết, Patek đã được giảm án hàng loạt - điều thường được trao (trong các ngày lễ lớn) cho các tù nhân có hành vi cải tạo tốt. Gần đây nhất, tù nhân này được giảm 5 tháng tù vào ngày 17/8 - ngày kỷ niệm Quốc khánh Indonesia.
Cơ quan hữu quan sẽ giám sát Patek và phiến quân này sẽ phải tham gia một chương trình cố vấn cho tới khi thời gian giám sát kết thúc vào ngày 29/4/2030.
Patek sẽ được đội chống khủng bố, thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc gia, hộ tống từ nhà tù Porong ở tỉnh Đông Java trở về nhà tại thành phố Surabaya, thủ phủ Đông Java, theo bà Rika.
"Nếu có bất kỳ vi phạm nào trong thời gian tạm tha, anh ta sẽ quay trở lại nhà tù", nữ phát ngôn viên Rika nói.
Vào tháng 8, tin tức về việc Patek được trả tự do sớm đã gây phẫn nộ ở Úc. Thủ tướng Úc Anthony Albanese mô tả Patek là "ghê tởm" và nói rằng việc thả tù nhân này sẽ gây thêm đau khổ cho những người Úc bị mất người thân trong vụ khủng bố năm 2002.
"Việc làm của hắn là hành động của một kẻ khủng bố", đài Channel 9 dẫn lời ông Albanese. "Chúng tôi đã mất 88 công dân trong vụ khủng bố đó".
Sự phản đối của Úc khiến chính quyền Tổng thống Joko Widodo phải trì hoãn việc thả Patek trong thời điểm Indonesia tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng trước.
Ngày 12/10/2002, ba vụ đánh bom khủng bố đã làm xáo trộn sự yên bình của thị trấn Kuta trên đảo Bali của Indonesia. Các vụ nổ, do phiến quân Hồi giáo cực đoan thực hiện, khiến 202 người thiệt mạng (trong đó có 88 người Úc, 38 người Indonesia, và khách du lịch tới từ hơn 20 quốc gia khác) cùng hơn 200 người khác bị thương.
Patek rời Bali ngay trước các vụ đánh bom và lẩn trốn suốt 9 năm. Trong thời gian này, Patek bị coi là một trong những nghi phạm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất châu Á.
Tại phiên tòa xét xử sau khi bị bắt, Patek bày tỏ sự hối hận và nói rằng không hề biết mục đích quả bom được sử dụng như thế nào sau khi chế tạo. Phiến quân này đã gửi lời xin lỗi tới cộng đồng và gia đình các nạn nhân.
Vào tháng 8, Patek cam kết giúp giới chức Indonesia thực hiện các chương trình phi cực đoan hóa. Kể từ sau vụ đánh bom ở Bali, Indonesia đã bỏ tù hàng trăm phiến quân Hồi giáo.
Jakarta đã hành quyết 3 phiến quân Hồi giáo bằng hình thức xử bắn tại nhà tù Nusakambangan năm 2008 vì liên quan đến vụ khủng bố ở Bali. Các phiến quân này không tỏ ra hối hận và tuyên bố các vụ đánh bom là nhằm trừng phạt Mỹ cùng các đồng minh phương Tây vì các hành động bị cáo buộc ở Afghanistan và nhiều nơi khác.
Theo Nguyễn Thái (Nguoiduatin.vn)