Ăn thịt thi thể người chết: Phong tục mai táng ghê rợn nhất thế giới

17/01/2016 14:19:16

Trên thế giới tồn tại rất nhiều cách thức mai táng khác nhau. Tuy nhiên, trong đó, có nhiều cách thực sự nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Trên thế giới tồn tại rất nhiều cách thức mai táng khác nhau. Tuy nhiên, trong đó, có nhiều cách thực sự nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.


Trong rừng Amazon, người dân bản địa có một quan niệm kỳ lạ về việc tưởng nhớ người chết đó là ăn thịt người chết. Họ coi việc để cơ thể người quá cố mục ruỗng còn dã man hơn. Vào những năm 1960, một nhóm người Wari vẫn tham gia vào tập tục mai táng ăn thịt người.
 

Ảnh minh họa.

 
Cho đến khi dân bản địa bắt đầu biết đến thế giới bên ngoài, họ cần thuốc men và thực phẩm từ người văn minh trong khi "đối tác" không cung cấp những thứ đó cho những ai thuộc nhóm ăn thịt người. Vì vậy, tục lệ man rợ này mới dần chấm dứt.

Chôn người tự tử ở ngã tư đường với cọc xuyên tim

Ở Anh, tự tử từng bị coi là một tội ác ghê tởm và phải bị trừng phạt ngay cả khi họ đã chết. Người ta quan niệm tự sát chính là hạ sát chính mình và người tự sát mà không thành là kẻ mang trọng tội.

Tài sản của một người tự tử sẽ bị tịch thu sau khi chết, vì vậy, gia đình họ phải che giấu những vụ tự tử để bảo vệ tài sản gia đình.

Một yếu tố ngăn cản những người có ý định tự sát là họ sẽ không được chôn cất theo nghi lễ Thiên chúa giáo, điều đó sẽ ảnh hưởng tới kiếp sau và họ không được đầu thai. Hiển nhiên cũng sẽ không có bất cứ người ngoài nào tới đưa tiễn họ.
 
 
Nước Anh thi hành đạo luật này để hạn chế việc tự sát nhưng một phần cũng là vì quan niệm cho rằng linh hồn người chết có thể quay trở lại ám gia đình họ.

Để ngăn chặn linh hồn người chết do tự sát lang thang trong vùng, xác của người tự sát sẽ bị chôn cất tại những giao lộ. Theo cách này, các linh hồn không được siêu thoát sẽ không tìm được đường về nhà.

Để chắc chắn hơn nữa, một cái cọc sẽ được đâm xuyên trái tim của cái xác. Hoặc đôi khi, xác chết được chôn gần bờ biển để ngăn họ quay lại tấn công người sống.

Ướp xác

La Mã là một đế chế đa văn hóa rộng lớn. Sau khi người La Mã chiếm đóng được một vùng đất, họ sẽ kết hôn với người dân địa phương cho đến khi không thể phân biệt được kẻ đi xâm chiếm và người địa phương.

Ngay cả các vị thần cũng có thể pha trộn với nhau. Thần Hermanubis là một sự kết hợp giữa thần Hermes của Hy Lạp và vị thần Ai Cập Anubis.

Cũng như quan niệm về chúa và sự kết hợp gen như trên, tục lệ mai táng của Ai Cập cổ đại cũng trộn lẫn với tục lệ mai táng của những kẻ chiếm đóng La Mã.

Trong khi người La Mã chết thường được chôn hay hỏa táng, thì người La Mã ở Ai Cập lại theo phong tục ướp xác.

Những "xác ướp La Mã" không được bảo toàn tốt như của người Ai Cập. Người La Mã ở Ai Cập phải đợi đến 40 ngày mới bọc xác ướp lại. Khi đó, xác đã bắt đầu bị phân hủy.

Đây là lý do vì sao những cái xác không chịu được thử thách của thời gian như cách ướp xác theo kiểu cũ tức là chỉ vài ngày sau khi chết.

Tuy nhiên, những bức chân dung xác ướp Fayum thì vẫn còn. Đó là những bức chân dung được tạo ra bởi người Ai Cập La Mã. Họ vẽ chân dung của người quá cố và gắn chúng trên khuôn mặt của xác ướp.

Những bức chân dung này được lưu giữ khá tốt do khí hậu khô cằn của Ai Cập. Hiện nay chúng được xem là một trong số những thành tựu vĩ đại nhất của nghệ thuật Hy Lạp -La Mã.

Tòa tháp câm lặng

Những người theo đạo Zoroastrian (Hỏa giáo – tôn thờ lửa, một tôn giáo cổ đại của người Iran) có nhiều quy tắc liên quan đến thủ tục chôn cất. Họ tin rằng xác chết gây ô nhiễm, làm vấy bẩn đất đai nên họ nghiêm cấm việc chôn cất và hỏa táng xác chết.

Vì thế, những xác chết được bỏ vào một ngọn tháp hình trụ xây dựng trên đỉnh đồi cho các loài chim ăn dần. Đó gọi là Tòa tháp câm lặng.
 
 
Trong vài giờ sau khi bỏ xác vào đó, các loài chim sẽ lột bỏ hoàn toàn phần thịt. Phần xương để phơi đến khô và nhạt màu dưới ánh mặt trời sẽ được ném xuống giếng ở trung tâm của tháp. Đôi khi xương được hòa vào vôi để đẩy nhanh quá trình hóa bột.

Một hệ thống lọc, dẫn nước được xây dựng bên trong tòa tháp để tưới tiêu cho các khu vườn xung quanh.

Tuy nhiên, người Hỏa giáo hiện đại ở Mumbai, Ấn Độ đang phải đối mặt với vấn đề mới: Loài kền kền ăn thịt người chết theo truyền thống đang bị tuyệt chủng.

Nguyên nhân là do người ta cấm giết mổ bò, tạo điều kiện cho loài chim này rỉa thịt. Song, trong thịt bò có một số loại thuốc giảm đau được chấp nhận trên gia súc đã giết chết chúng.

Vài ngàn con chim đã chết vì bị suy thận do những loại thuốc trên gia súc gây nên. Trong năm 2012, người theo đạo Zoroastrian lên kế hoạch nuôi những con kền kền để sử dụng cho Tòa tháp câm lặng.

Tuy nhiên, thuốc giảm đau vẫn còn là một vấn đề nan giải. Loại thuốc này dùng được cả cho người và bò. Thậm chí, nếu được sử dụng 3 ngày trước khi chết, nó sẽ giết chết luôn cả những loài chim ăn phải thịt ngấm thuốc.

Ăn tro hỏa táng

Những người Yanomami ở Amazon không có tục lệ chôn cất người chết. Họ hỏa táng người chết và sau đó ăn phần tro với ý nghĩa cứu lấy linh hồn của người đã khuất.

Người Yanomami tin rằng linh hồn người chết rơi vào trạng thái lang thang trong không gian và có thể truyền sang một thực thể khác. Đó là lý do vì sao một số loài chim được cho rằng do con người đầu thai không bao giờ bị giết.
 
 
Sau khi hỏa táng, tro được trộn với bột chuối, và tốt nhất là những người thân nên ăn chúng để linh hồn người chết không bị lãng quên và khi đó linh hồn được tự do và cứu rỗi.

Việc này là không hề ngon miệng với nhiều người nhưng với người Yanomami đó là công việc nghiêm túc.

Họ là những người du mục thường xuyên phải chiến đấu với những bộ tộc láng giềng.

Sự trừng phạt đáng sợ nhất cho kẻ thù nếu họ chiến thắng đó là người chiến thắng sẽ không ăn kẻ thù của họ, mà sẽ khiến linh hồn của kẻ thù phải ở tình trạng lang thang và bị lãng quên mãi mãi.

Mộc táng

Tại một số vùng sâu vùng xa ở Châu Á, người ta treo người chết trên cây trong ngôi làng của họ, đây là tục Mộc táng.
 
 
Thủ tục cho người chết này có thể được thực hiện bởi những người vô thần và không theo bất kỳ truyền thống hay văn hóa, tín ngưỡng nào.

Việc này đảm bảo rằng người sống sẽ nhớ mãi đến người đã chết và cũng luôn phải chuẩn bị cho cái chết của mình sau này.

Huyền táng

Quan tài người chết không phải lúc nào cũng được chôn sâu dưới lòng đất. Một số cộng đồng người có quan niệm khác: Họ tin rằng quan tài cần phải gần với bầu trời, gần với thiên đàng tức là phải được treo cao trên vách núi đá.

Phong tục này có thể được thấy ở các nhóm dân tộc thiểu số ở Phillippines hay phía Nam Trung Quốc.
 
 
Thiên táng

Một trong những truyền thống mai táng kỳ lạ vẫn còn duy trì ở Tây Tạng, Trung Quốc đó là thiên táng.

Theo quan niệm cũ, xác người bị cắt thành nhiều mảnh và phơi trên đỉnh núi, để cho sương gió ngoài trời tàn phá và chim kền kền ăn thịt là cách giúp linh hồn con người được tự do, rũ bỏ phần xác thịt theo cách càng phóng khoáng càng tốt.

Theo Vũ Hương (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật