Malta là quốc đảo ở Nam Âu, có diện tích 316km2 và dân số khoảng 500.000 người. Chỉ 3 đảo lớn, Malta (trùng tên quốc gia), Gozo và Comino của họ có người ở, còn lại đều là đảo hoang.
"Vương quốc người chết"
Xét trong vùng biển Địa Trung Hải, Malta là quần đảo chiếm vị trí chiến lược nhất. Vì thế, từ thời trước Công Nguyên (CN), nơi này đã bị các thế lực từ người Phoenicia đến Hy Lạp, Carthage, La Mã tranh giành quyết liệt.
Theo tư liệu lịch sử Malta, vào năm 58, Sứ đồ Paulus (5 – 67, Thổ Nhĩ Kỳ) bị đắm tàu gần bờ đảo Malta. Trong thời gian sống tạm trên hòn đảo, ông đã rao giảng kinh Phúc âm, đặt nền móng cho Cơ đốc giáo. Sau khi Paulus rời đi, người Malta duy trì và phát triển tín ngưỡng này.
Cuối những năm 1800, người ta phát hiện Hầm mộ Thánh Paulus tại Rabat, đảo Malta. Tuy mang tên Paulus, đây không phải nơi an táng ông, mà là mộ chung. Nó được xây bằng cách đào đục khối đá ngầm khổng lồ trong lòng đất, trong vòng vài trăm năm.
Thời kỳ cổ đại, Malta chịu ảnh hưởng của văn hóa La Mã. Truyền thống mai táng của La Mã không cho phép chôn cất người chết gần nơi ở của người sống. Hầm mộ Thánh Paulus là một trong các địa điểm chôn cất tập trung.
Sau nhiều thế kỷ, Hầm mộ Thánh Paulus đã bao gồm 30 gian ngầm. Người Malta đào nhiều đường hầm, di chuyển người chết từ trong các khu dân cư tới đây bằng hệ thống đường hầm dài, rộng, cắt nhau phức tạp như mê cung.
Ngoài Hầm mộ Thánh Paulus, trong Malta còn một loạt các hầm mộ khác như Thánh Agatha, San Katald, Thánh Augustine... Người Malta thời cổ và trung đại chỉ xem tất cả như những "hầm chứa" xác chết. Họ quăng bừa thi thể xuống các hố hình chữ nhật, thỉnh thoảng còn tổ chức nghi lễ hiến tế ngay bên trong.
Chỉ riêng trong Hầm mộ Thánh Paulus, ước tính đã có tới 33.000 bộ hài cốt. Đầu thế kỷ XX, báo cáo khai quật cho biết phần lớn các bộ hài cốt này thuộc về người trưởng thành, có nhiều dấu vết bị bạo lực.
Khắp Malta, dân gian lưu truyền vô số câu chuyện, tin đồn về ma và hiện tượng ma quái trong các khu hầm mộ. Người ta còn rỉ tai nhau, không ít sinh viên và giáo sư khảo cổ đã bị mất tích trong hệ thống đường hầm Malta. Biệt danh "vương quốc người chết" chào đời, trở thành điểm nhấn cho ngành du lịch Malta.
Thiếu niên mất tích và cuộc tìm kiếm rầm rộ
Ngày 18/7/2016, Mike Mansholt lên đường khám phá Hầm mộ Thánh Paulus. Cậu thuê xe đạp leo núi, một mình hướng về phía Rabat.
Buổi tối cùng ngày, chủ cho thuê xe đạp không thấy Mansholt trả xe nên báo cho chính quyền. Các nhà chức trách Malta gọi điện tới Đức, thông báo với cha mẹ Manshol. Bernd Mansholt, cha của Mansholt tưởng con trai mải mê phiêu lưu, ngủ luôn ngoài trời nên không hề lo lắng. Chỉ khi sau 4 hôm nữa, vào ngày lẽ ra Mansholt phải có mặt ở sân bay Đức, ông mới hốt hoảng.
Nhận thông báo Mansholt mất tích từ Đức, Malta lập tức huy động lực lượng tìm kiếm. Bernd cũng có mặt tại Malta, theo dõi từng bước hoạt động của cuộc tìm kiếm mang tính chất hợp tác quốc tế, giữa Cảnh sát Liên bang Đức và Cơ quan Chức năng Malta.
Ngày 26/7, sau 3 ngày lật tung Rabat, các nhà điều tra phát hiện Mansholt nằm chết trên đỉnh Vách đá Dingli, ở vị trí cao nhất – 250m.
Cái chết kỳ bí và sự trở về kinh hoàng
Đỉnh Dingli, Rabat là địa điểm cực kỳ hiểm trở, đầy cạnh đá thẳng đứng, sắc nhọn. Trên đây chỉ có 1 trạm radar cũ và Nhà nguyện Magdalen. Malta cho biết, đã phát hiện Mansholt nhờ "một thủ thuật điều tra đặc biệt".
Hay tin dữ, Bernd đau đớn gục xuống. Bất chấp sự can ngăn của các cảnh sát, ông nhất định đòi tận mắt xác nhận thi thể con trai. Các nhà chức trách Malta cố giữ chân Bernd, tiết lộ trước với ông rằng Mansholt bị ngã, gãy lưng mà chết.
Ngày 8/8, Bernd nhận được báo cáo giám định pháp y đầu tiên, trong đó chỉ ra rằng Mansholt không bị gãy xương. Ông ngơ ngác và tìm đến văn phòng cảnh sát Malta. Nhân viên tiếp Bernd lảng tránh trả lời câu hỏi. Ông bèn yêu cầu phía Malta trả lại chiếc máy ảnh của Mansholt. Sau hồi lâu trì hoãn, họ mới chịu đưa cho Bernd 1 chiếc máy ảnh, nhưng nó lại không phải của Mansholt.
Suốt nhiều ngày, Bernd đôn đáo tìm kiếm nguyên nhân dẫn đến cái chết của con trai. Các nhà chức trách Malta tỏ thái độ ngó lơ, bất hợp tác. Họ báo cáo kết quả điều tra ngắn gọn: Mansholt tử vong do tự ngã. Cuối cùng, Bernd đành phải về Đức.
Ngày 20/8, thi hài của Mansholt được chuyển tới Đức. Bernd đau đớn đón con trai và lần nữa sụp đổ. Thi thể Mansholt không hề được bảo quản, đang trong tình trạng thối rữa trầm trọng. Chưa hết, toàn bộ các cơ quan nội tạng quan trọng và bộ não của cậu còn biến mất.
Các nhà chức trách Đức liền gọi điện, chất vấn phía Malta. Họ nhận được câu trả lời không thể phi lý hơn: Nội tạng có lẽ đã bị chuột ăn mất, còn bộ não thì bị tan chảy hết do thời tiết quá nóng.
Đã 5 năm đã trôi qua kể từ ngày Mike Mansholt chết đầy kỳ bí trên đỉnh khu vực thuộc Hầm mộ Thánh Paulus. Malta vẫn giữ nguyên hồ sơ và Đức không hiểu tại sao 1 thiếu niên ưa phiêu lưu của nước mình lại trở về nhà trong bộ dạng đáng sợ đến thế. Những suy đoán, giả thuyết về sự thật án mạng Mansholt tràn ngập. Nhiều người còn cho rằng, cậu bị kẻ nào đó tại Malta trộm nội tạng trong quá trình khám nghiệm tử thi.
Đối với "vương quốc người chết", trường hợp của Mansholt góp thêm một câu chuyện rùng rợn. Tuy nhiên đối với ngành du lịch Malta, đây tuyệt đối không phải "điều thu hút du khách nước ngoài". "Nếu Malta im lặng vì sợ ảnh hưởng đến du lịch thì họ đã thất bại thảm hại," Mark A. Carpenter – nhà báo Anh kết luận. "Không du khách nào lại vẫn an tâm thăm thú khi biết 1 thiếu niên đã mất mạng, trở về nhà trong tình trạng mất sạch nội tạng và báo cáo điều tra không rõ ràng".
Theo Vũ Huế (Pháp Luật & Bạn Đọc)