Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị cấp cao nhóm BRICS - bao gồm Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc - quan trọng không kém gì chính hội nghị này
Nguyên do ở chỗ ngay trước đó Trung Quốc và Ấn Độ đã dàn binh đối địch nhau ở cao nguyên Doklam suốt hai tháng trời trước khi đạt được thỏa thuận cùng triệt thoái quân đội ra khỏi khu vực đó. Rồi việc ông Modi sang Trung Quốc tham dự hội nghị và cuộc gặp song phương bên lề hội nghị cũng đều cho thấy tuy Trung Quốc và Ấn Độ chưa thể - và không biết đến bao giờ mới có thể - giải quyết được ổn thỏa chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ song phương cũng như liên quan đến Bhutan, nhưng đều chủ ý không để chuyện ấy cản trở thúc đẩy hợp tác song phương trên những lĩnh vực khác vì lợi ích của họ và vì tương lai của BRICS.
Cuộc gặp ở Hạ Môn giúp cho mối quan hệ song phương này trên danh nghĩa trở lại bình thường như trước khi xảy ra chuyện ở cao nguyên Doklam. Phía Trung Quốc còn có cử chỉ tranh thủ Ấn Độ nữa là chủ xướng việc đưa một số tổ chức và lực lượng ở Pakistan vào danh sách khủng bố - Trung Quốc chấp nhận làm cho Pakistan phật lòng để đổi lấy sự hài lòng của Ấn Độ.
Cuộc gặp có ý nghĩa chính trị trước hết. Những nội dung trao đổi giữa ông Modi và ông Tập Cận Bình ở Hạ Môn chưa đủ để tạo ra động lực hay bước phát triển mới cho mối quan hệ, nhưng đủ để nó không bị xấu thêm đi sau vụ việc ở Doklam và đủ để ít nhất trong thời gian tới chuyện tương tự không xảy ra giữa hai bên. Nó được đánh giá quan trọng là vì thế.
Theo La Phù (Thanh Niên Online)