Theo thông tin từ Ấn Độ, thực tế cả 2 nước Trung-Ấn đều rút quân khỏi Doklam và lý do dẫn đến sự khác nhau của 2 tuyên bố là do New Delhi đang "gỡ gạc sĩ diện" giúp Bắc Kinh.
The Times of India ngày 29/8 cho biết, các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề đối đầu ở Doklam được diễn ra ở các cấp lãnh đạo hai nước Trung-Ấn.
Đầu tiên là cuộc hội đàm giữa Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì diễn ra vào hồi tháng 7.
Sau đó là cuộc tiếp xúc giữa Thư ký đối ngoại S Jaishankar với các quan chức Trung Quốc dưới sự sắp xếp của Đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh Vijay Gokhale.
Theo The Times of India. trong các cuộc họp song phương, Ấn Độ đã đưa ra một số yêu cầu, bao gồm việc Trung Quốc không được đơn phương thay đổi nguyên trạng thực địa và tôn trọng đồng thuận chung về biên giới ba nước được ký kết năm 2012.
Tờ này dẫn nguồn tin tiết lộ, trong quá trình đàm phán, New Delhi kiên quyết rằng, nếu Bắc Kinh không thể đảm bảo "hòa bình", quan hệ hai bên sẽ chịu tổn thất. Điều này có khả năng xảy ra, trừ phi hai nước đồng thời rút quân.
Thông cáo thứ hai của Ấn Độ cho biết, hai nước Trung-Ấn đều đang rút quân khỏi Doklam. Ảnh: Raveesh Kumar/Bộ ngoại giao Ấn Độ |
Nguồn tin trên cũng cho biết, do Bắc Kinh ý thức được thái độ cứng rắn của New Delhi - Ấn Độ sẽ không thỏa hiệp trước khi Trung Quốc rút quân - nên hai bên mới đạt được nhất trí chung. Ngoài ra, Ấn Độ còn giúp Trung Quốc giữ sĩ diện bằng cách New Delhi sẽ không bình luận về cách thông báo rút quân của Bắc Kinh ở Doklam.
Do đó, trong khi Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa tin hai nước Trung-Ấn đã nhất trí kết thúc cuộc đối đầu xảy ra từ tháng 6 ở Doklam và các lực lượng đang nhanh chóng di tản thì ngày 28/8, Bắc Kinh đưa thông báo, chỉ có quân đội Ấn Độ rút khỏi Doklam còn binh lính Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện quyền chủ quyền ở khu vực này.
Sau tuyên bố của Bắc Kinh, New Delhi không đưa bất cứ bình luận thách thức nào cho đến thông báo thứ hai trong buổi chiều cùng ngày, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi khẳng định, "hai bên đều đã rút quân" và "theo xác nhận, quá trình này gần như đã hoàn thành".
Trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Rory Medcalf - Viện trưởng Học viện an ninh quốc gia, Đại học quốc gia Australia cho biết, bản thân ông cảm thấy rất thú vị trước hai tuyên bố khác nhau về kết quả đàm phán Doklam của hai nước Trung-Ấn.
Ngoài ra, ông cũng đặt câu hỏi, dù nhất trí chấm dứt xung đột tại Doklam nhưng vấn đề là liệu sau đó Trung Quốc có tiếp tục triển khai tuyến đường đang dang dở hay không?
"Hai bên đã đều giành được thắng lợi tại Doklam nhưng nếu Trung Quốc dừng làm đường thì Ấn Độ mới là bên giành chiến thắng cuối cùng", học giả Australia nói.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo thường ngày hôm 28/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lại né tránh trước những câu hỏi liên quan đến việc "liệu Trung Quốc sẽ tiến hành làm đường ở Doklam hay không", bởi đây vốn là lý do chính dẫn đến mâu thuẫn lần này.
Thay vào đó, bà Hoa nhấn mạnh rằng: "Do tình hình thực địa đã thay đổi, Trung Quốc sẽ có điều chỉnh và triển khai dựa theo tình hình hiện tại ở khu vực".
Theo Thuỷ Thu (Soha/Thời Đại)