Ấn Độ phát hiện thêm sản phẩm nhiễm độc sau vụ 141 trẻ em tử vong vì uống siro

05/10/2023 11:19:46

Giới chức quản lý dược phẩm Ấn Độ xác định siro ho và siro chống dị ứng của hãng Norris Medicines nhiễm độc, nhiều tháng sau khi một số loại siro sản xuất tại Ấn Độ được cho là có liên quan tới cái chết của 141 trẻ em.

Ấn Độ phát hiện thêm sản phẩm nhiễm độc sau vụ 141 trẻ em tử vong vì uống siro
Ảnh minh họa

Các sản phẩm kể trên bị nhiễm độc diethylene glycol (DEG) hoặc ethylene glycol (EG), các chất có trong siro gây tử vong cho trẻ em ở Gambia, Uzbekistan và Cameroon từ giữa năm 2022, theo Reuters.

Đây là lần đầu tiên sau hai năm Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Dược phẩm Trung tâm Ấn Độ (CDSCO) nhắc tới việc các sản phẩm siro nhiễm độc DEG và EG trong báo cáo hàng tháng.

H G Koshia, ủy viên trưởng Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm bang Gujarat nói với Reuters hôm 04/10 rằng xưởng chế thuốc của Norris hồi tháng trước đã bị kiểm tra và yêu cầu đóng cửa, đồng thời các sản phẩm của họ cũng bị thu hồi.

"Công ty đó đã thiếu sót nghiêm trọng trong việc tuân thủ các quy định sản xuất thuốc. Họ không có hệ thống nước đạt yêu cầu. Bộ xử lý không khí cũng không đạt yêu cầu. Vì lợi ích y tế công cộng, chúng tôi yêu cầu xưởng điều chế thuốc ngừng hoạt động," Koshia cho hay.

Sản phẩm Trimax Expectorant nhiễm 0,118% EG, trong khi thuốc dị ứng Sylpro Plus Syrup có 0,171% EG và 0,234% DEG, theo kết quả kiểm tra tại phòng thí nghiệm của CDSCO được đăng tải trên website. Koshia cho biết Norris từng xuất khẩu siro ho, nhưng không nêu cụ thể là nơi nào.

WHO cho biết giới hạn an toàn, dựa trên tiêu chuẩn được cộng đồng quốc tế công nhận, là 0,1%.

"Chúng tôi nắm được thông tin về báo cáo của CDSCO và đã liên hệ với cơ quan này để xác minh các sản phẩm đã được xuất khẩu tới đâu. Những thông tin này rất quan trọng khi chúng tôi xem xét có ban hành cảnh báo dược phẩm hay không," phát ngôn viên của WHO cho biết.

Hiện chưa rõ các sản phẩm của Norris có gây hại hay đã bị thu hồi hay không. Các sản phẩm này vẫn được một số hãng dược bán trực tuyến, theo Reuters.

Hà An (SHTT)