Ấn Độ vẫn đang vất vả chống đỡ làn sóng Covid-19 thứ hai. Trung bình thành phố Delhi tại nước này ghi nhận một trường hợp tử vong trong chưa đầy bốn phút đồng hồ, hệ thống y tế vốn không được cấp vốn đầy đủ có nguy cơ sụp đổ.
Chính phủ Ấn Độ đã điều động máy bay, tàu hỏa quân đội để vận chuyển oxy từ các khu vực hẻo lánh về thủ đô Delhi. Truyền hình nước này phát sóng hình ảnh một chiếc xe tải chở các bình oxy tới bệnh viện Batra ở thủ đô Delhi, sau khi cơ sở này phát thông báo khẩn cấp cho biết chỉ còn đủ oxy cho 260 bệnh nhân trong 90 phút đồng hồ.
"Làm ơn hãy giúp chúng tôi lấy oxy, sẽ có thảm kịch xảy ra tại đây," thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal nói với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc hội thảo hôm 23/04.
Cuộc khủng hoảng cũng đang lan rộng tại các khu vực khác tại Ấn Độ. Nhiều bệnh viện ban hành thông báo cho biết họ không còn đủ oxy y tế. Truyền thông địa phương đăng tải tin tức về nhiều trường hợp tử vong tại các thành phố Jaipur và Amritsar do thiếu oxy.
Ấn Độ hôm 22/04 vượt kỷ lục về số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trong một ngày nhiều nhất mà Mỹ từng nắm giữ, khiến nước này trở thành tâm dịch mới, trong bối cảnh đại dịch đã bắt đầu hạ nhiệt ở nhiều nước.
Chính phủ Ấn Độ hồi tháng 02 từng tuyên bố đã đánh bại Covid-19, khi số ca nhiễm mới ghi nhận mỗi ngày giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Tuy vậy, chỉ trong 24 giờ vừa qua Ấn Độ đã ghi nhận thêm 2.624 trường hợp tử vong, mức cao nhất từ khi đại dịch bùng phát. Các lò hỏa thiêu trên khắp thành phố Delhi thông báo quá tải, đồng thời đề nghị gia đình những bệnh nhân tử vong chờ đợi.
Ấn Độ hiện đã ghi nhận 16,6 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 189.544 trường hợp tử vong, trên tổng số 1,3 tỷ dân.
Các chuyên gia y tế cho rằng giới chức Ấn Độ đã có dấu hiệu chủ quan vào mùa Đông, khi số ca nhiễm chỉ ở mức 10.000 mỗi ngày, dịch bệnh dường như được kiểm soát. Các biện pháp giới hạn phòng chống dịch bệnh được dỡ bỏ, các buổi tụ tập đông người xuất hiện trở lại.
Một số khác cho rằng có thể đã có biến thể virus nguy hiểm hơn xuất hiện tại nước này, nơi người dân tập trung đông đúc và có thói quen sống gần nhau, thường lên tới 6 người mỗi phòng.
"Dù tình trạng chủ quan trong tuân thủ đeo khẩu trang và giãn cách xã hội có thể đã đóng vai trò trong làn sóng thứ hai hiện nay, khả năng ngày càng cao là đợt lây nhiễm này được thổi bùng lên nhờ một biến thể virus độc hại hơn," Vikram Patel, giáo sư y tế quốc tế tại Trường Y Harvard viết trên tờ Indian Express.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)