Vụ ẩu đả hôm 15/06 tại thung lũng Galwar là cuộc đụng độ tồi tệ nhât giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong 45 năm. Trung Quốc hiện vẫn chưa công bố số liệu về thương vong.
Các quan chức chính phủ cho biết họ đã lên kế hoạch áp đặt các rào cản thương mại và tăng thuế nhập khẩu 300% đối với hàng hóa Trung Quốc. Hiện thâm hụt thương mại của Ấn Độ đối với Trung Quốc là khoảng 59,3 tỷ USD, và 11% hàng nhập khẩu ở Ấn Độ tới từ Trung Quốc.
Bộ Viễn thông Ấn Độ yêu cầu các công ty cung cấp viễn thông nhà nước cũng như tư nhân ngừng toàn bộ các thỏa thuận với Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng bị cấm tham gia đấu thầu các dự án trong tương lai, trong đó có thể có kế hoạch nâng cấp dịch vụ 4G ở Ấn Độ.
Kêu gọi tẩy chay hàng hóa, công nghệ và đầu tư Trung Quốc đã lên cao ở Ấn Độ từ đầu tháng 05, khi căng thẳng giữa hai nước bắt đầu gia tăng. Một chương trình được viết tại Ấn Độ giúp người dùng xác định và xóa ứng dụng Trung Quốc đã được tải tới 5 triệu lần trong tháng 05, trước khi bị Google chặn.
Một công ty bơ sữa Ấn Độ hồi đầu tháng 06 cũng bị Twitter chặn, sau khi đăng tải quảng cáo thông điệp chống Trung Quốc.
Sonam Wangchuk, một kỹ sư hàng đầu ở Ấn Độ, sống và làm việc tại Ladakh, là một trong những người đứng đầu phong trào tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
"Nếu chúng ta dùng vũ lực chống lại Trung Quốc, đó là điều họ đang mong muốn. Chúng ta cần làm điều họ sợ hơn, đánh vào kinh tế. Ấn Độ đã tốn nhiều tiền cho Trung Quốc, nhưng chúng ta cần thoát khỏi cái bẫy đó," Wangchuk nói.
Wangchuk cho biết chiến dịch thành công hơn ông mong đợi. "Công dân Ấn Độ có thể tạo ra sự khác biệt to lớn," ông nói.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)