Các trường hợp tử vong xảy ra liên tiếp vào ngày 13, 14/12 và các nạn nhân ở 3 ngôi làng của quận Saran, thuộc bang Bihar nghèo khó của Ấn Độ, nơi chính quyền địa phương cấm bán và tiêu thụ rượu vào năm 2016.
Lệnh cấm được đưa ra sau khi các nhóm phụ nữ vận động chống lại việc người lao động chi tiêu khoản thu nhập ít ỏi của họ vào rượu, do đó, tạo ra một thị trường chợ đen nguy hiểm cho rượu lậu.
"Nếu ai đó uống rượu, họ sẽ chết", Nitish Kumar, thủ hiến bang Bihar cho biết sau thảm kịch hôm 15/12. "Vì có lệnh cấm rượu ở nơi đây, nếu có rượu được bán ở đây thì nó đều là hàng giả và có thể khiến người ta chết. Rượu là thứ không tốt và không nên uống".
Sau khi uống rượu lậu hôm 13/12, những người đàn ông ở quận Saran đầu nôn mửa trước khi tình trạng của họ xấu đi nhanh chóng và tử vong. Sĩ quan cảnh sát cấp cao Santosh Kumar cho biết một số người may mắn thoát chết đã bị mất thị lực.
“Chúng tôi đã bắt giữ 126 người trong 48 giờ qua sau khi vụ việc được báo cáo và hai trường hợp đã được ghi nhận”, Kumar nói với Al Jazeera.
Một bác sĩ địa phương cho hay rằng khoảng 55 người nhập viện hôm 14/12 với một loạt các triệu chứng gồm mất thị lực, buồn nôn, chóng mặt, đổ mồ hôi, lượng đường trong máu cao và huyết áp cao.
"Trong số đó, 15 người đã được xuất viện sau khi điều trị và những người còn lại được chuyển đến các bệnh viện khác nhau để điều trị chuyên sâu", bác sĩ Gopal Krishna nói và cho biết thêm rằng 4 người đã chết ngay sau khi đến trung tâm.
Tử vong do rượu nấu lậu rất phổ biến ở Ấn Độ, nơi rượu lậu rẻ và thường được pha thêm hóa chất để tăng độ cồn tràn lan. Ước tính, trong số 5 tỷ lít rượu được tiêu thụ hàng năm ở nước này, khoảng 40% được sản xuất bất hợp pháp, theo Hiệp hội Rượu Ấn Độ.
Rượu bất hợp pháp thường được pha thêm metanol để tăng hiệu lực. Nếu uống phải, methanol có thể gây mù lòa, tổn thương gan và tử vong.
Đầu năm nay, ít nhất 28 người chết và 60 người khác bị bệnh do uống phải rượu nhiễm độc ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.
Năm 2020, ít nhất 120 người đã chết sau khi uống phải rượu nhiễm độc ở bang Punjab phía Bắc Ấn Độ.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)