Tòa án tối cao Ấn Độ đã ra quyết định điều tra vụ nhóm cảnh sát nổ súng tiêu diệt các nghi phạm hiếp dâm. Một nhóm điều tra đứng đầu là một cựu thẩm phán Tòa án tối cao được yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ điều tra trong 6 tháng, Daily Mail dẫn nguồn tin báo chí địa phương cho biết.
Đây là diễn biến mới nhất trong vụ án hiếp dâm và thiêu sống một nữ bác sĩ thú y 26 tuổi diễn ra hồi cuối tháng trước tại bang Telangana.
Bốn nghi phạm bị cáo buộc gây ra vụ án nghiêm trọng trên là Mohammad Areef, Jollu Shiva, Jollu Naveen và Chintakunta Chennakeshavulu, đều hành nghề tài xế xe tải. Cả 4 bị bắt vào ngày 27/11, không lâu sau khi người dân địa phương phát hiện ra thi thể bị cháy đen của nạn nhân.
Thứ Năm tuần trước 05/12, cảnh sát đưa 4 nghi phạm nõi trên ra nơi tìm thấy thi thể nạn nhân để phục dựng hiện trường. Theo lời cảnh sát, 4 nghi phạm sau đó đã tìm cách cướp súng của họ để trốn thoát, buộc họ phải nổ súng tiêu diệt cả 4 người.
Vụ tiêu diệt các nghi phạm được người thân của nạn nhân và dân chúng tán thưởng. Theo báo chí địa phương, người dân thậm chí đã tụ tập ăn mừng, đốt pháo hoa và rải hoa lên người cảnh sát.
Tuy vậy, nhiều luật sư cho rằng hành động tiêu diệt các nghi phạm chưa qua xét xử sẽ tạo tiền lệ xấu cho việc xử lý tội phạm ngoài vòng pháp lý. Trong nhiều vụ án nghiêm trọng, cảnh sát Ấn Độ đã từng bị cáo buộc tiêu diệt tội phạm chưa qua xét xử để làm yên lòng dư luận, theo Daily Mail.
Theo cơ quan điều tra Ấn Độ, 4 nghi phạm Mohammad Areef, Jollu Shiva, Jollu Naveen và Chintakunta Chennakeshavulu nhìn thấy nạn nhân đi xe máy tới một cơ sở y tế để hành nghề. Chúng đã lên kế hoạch hiếp dâm và giết hại nạn nhân bằng cách phá hỏng xe máy của cô, xuất hiện giả vờ giúp đỡ rồi đưa cô tới một khu nhà bỏ hoang để ra tay.
Cảnh sát tin rằng nạn nhân bị buộc uống rượu để không kêu cứu, và sau đó đã chết vì ngạt thở. Nạn nhân có liên lạc với một người chị em gái bằng điện thoại, nhưng các nghi phạm đã tắt máy và vứt chiếc điện thoại đi trước khi người này kịp xác định nạn nhân đang ở đâu.
Vụ việc gây ra làn sóng phản ứng dữ dội trong dư luận Ấn Độ, với hàng nghìn người tham gia các cuộc biểu tình yêu cầu chính quyền phải có hành động cụ thể để bảo vệ nữ giới trước nạn xâm hại tình dục.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)