Lệnh phong tỏa hiện có hiệu lực ở phần lớn Nepal, các bệnh viện của nước này đã có dấu hiệu quá tải. Bangladesh phải dừng chương trình đăng ký tiêm vaccine, sau khi nguồn cung bị gián đoạn. Hy vọng về hồi phục kinh tế dựa trên du lịch của Sri Lanka đã sụp đổ.
Trong bối cảnh Ấn Độ tiếp tục đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai vô cùng nghiêm trọng, nhiều nước lân cận đã bị ảnh hưởng. Hầu hết các nước lân cận đã đóng cửa biên giới. Một số nước muốn mua vaccine của Ấn Độ, nay đã chuyển sang đàm phán mua vaccine Trung Quốc hoặc Nga.
Vấn đề là liệu những động thái đó có đủ để chặn đứng đại dịch, trong khu vực nhiều nước có các đặc điểm vốn đã khiến Ấn Độ gặp nhiều khó khăn: các thành phố đông đúc dân cư, tình trạng ô nhiễm không khí nặng, hệ thống y tế công cộng yếu, và phần lớn dân số lao động nghèo phải đứng giữa lo ngại virus và nỗi lo đói ăn.
Dù các đợt bùng phát ở những quốc gia này chưa thể xác định là liên quan tới Ấn Độ, nhiều quan chức trong khu vực tỏ ra đặc biệt lo ngại rằng họ sẽ trải qua những cuộc khủng hoảng tương tự.
"Tôi thấy tình hình như chiến tranh thế giới," Rajan Pandey, một bác sĩ tại quận Banke ở Nepal, gần biên giới Ấn Độ, cho biết. Pandey nói ông đã phải từ chối 30 bệnh nhân tìm kiếm giường bệnh mỗi ngày.
"Nếu lệnh phong tỏa được thực thi hai tuần trước, biên giới được đóng và người lao động trở về từ Ấn Độ được cách ly tốt hơn, chúng tôi có thể đã tránh được tình cảnh hiện nay," ông nói, đồng thời bày tỏ lo ngại điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới.
Nepal cho thấy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ tác động tới các nước lân cận như thế nào. Sau làn sóng thứ nhất hồi năm ngoái, số ca nhiễm ở quốc gia dân số 30 triệu người đã giảm mạnh trong tháng 01. Người dân tụ tập mừng Lễ Năm Mới của Nepal hồi tháng trước, trong khi hàng trăm nghìn người lao động trở về từ Ấn Độ.
Nhưng khi Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Ấn Độ, nhiều người lao động đã vượt qua biên giới trở về quê nhà, mang theo virus.
Tại quận Kanchanpur gần biên giới với Ấn Độ, hơn 1.500 người Nepal trở về từ Ấn Độ một ngày. Khoảng 1/5 số này xét nghiệm dương tính với Covid-19, theo trưởng quận Ram Kumar Mahato.
Tại Banke, chỉ trong tuần trước đã ghi nhận 9.000 người lao động trở về, theo Rajesh Saru Magar, một nhân viên của UNICEF. Chỉ khoảng 20% được xét nghiệm do thiếu thốn trang thiết bị, Magar nói. 30% trong số những người được xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Tuy vậy tới nay chính phủ Nepal mới chỉ đóng 22 trên tổng số 35 chốt kiểm soát biên giới, một quyết định mà các quan chức cho là cần thiết để đảm bảo công dân vẫn có thể trở về. Tới cuối tháng 04, Nepal vẫn cho hành khách từ Ấn Độ quá cảnh tại thủ đô Kathmandu, được cho là lỗ hổng mà những người muốn tránh lệnh cấm của các nước có thể khai thác.
Nepal hiện đã ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, tỷ lệ dương tính tính tới hôm 13/05 là 40%. Khoảng gần 5.000 người đã tử vong, nhưng giới chuyên gia cho rằng tình trạng thống kê thiếu có thể xảy ra ở nhiều địa phương.
Tuy vậy, ca nhiễm nhập cảnh không phải là lý do duy nhất khiến Nepal đối mặt với khủng hoảng.
Giống như Ấn Độ, chính phủ Nepal được cho là chậm trễ trong việc mở rộng các cơ sở y tế khi số ca nhiễm Covid-19 dường như nằm trong tần kiểm soát hồi năm ngoái. Giới chức cũng chậm thi hành giới hạn giãn cách xã hội, theo New York Times. Bên cạnh đó, nhiều cuộc vận động thu hút sự tham gia của rất đông người dân cũng đã dược tổ chức.
"Vì lý do đó, virus đã lan tới khắp mọi miền đất nước," tiến sĩ Krishna Prasad Paudel, giám đốc cơ quan dịch tễ và kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế Nepal cho biết.
Các đơn vị cứu trợ đã cảnh báo về những điểm tương đồng giữa Nepal và Ấn Độ vẫn đang tiếp diễn, trong bối cảnh hàng loạt bệnh viện quá tải tới mức phải từ chối bệnh nhân nguy kịch. Do nguồn oxy y tế thiếu thốn, chính phủ Nepal phải ban hành mức giới hạn cho mỗi bệnh viện, nhưng các bác sĩ cho rằng giới hạn này là không đủ để cứu sống bệnh nhân. Truyền thông địa phương đã bắt đầu đăng tải thông tin các bệnh nhân tử vong do thiếu oxy.
"Những gì xảy ra tại Ấn Độ lúc này là bài học đáng sợ đối với tương lai của Nepal, nếu chúng ta không thể kiểm soát đợt bùng phát Covid-19 hiện nay," bác sĩ Netra Prasad Timsina, giám đốc Hội Chữ Thập Đỏ Nepal tuần trước cảnh báo.
Vaccine khó có thể giúp gì được vào lúc này. Nepal đã mua 2 triệu liều từ Viện Serum Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Nhưng từ khi cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ trầm trọng hơn, chính phủ nước này gần như đã dừng hẳn việc xuất khẩu vaccine, khiến Nepal thiếu một triệu liều.
Ấn Độ dừng xuất khẩu vaccine cũng ảnh hưởng tới chương trình tiêm chủng tại Bangladesh. Cuối tháng trước, giới chức thông báo họ tạm dừng tiếp nhận đơn đăng ký vaccine mới, sau khi nguồn cung từ Viện Serum Ấn Độ bị cắt đứt.
Hiện tại, Bangladesh thiếu khoảng 1,5 triệu liều vaccine cần thiết để tiêm chủng liều thứ hai, chưa nói đến liều thứ nhất. Nước này đang đàm phán mua vaccine từ Trung Quốc và Nga.
Dù thiếu vaccine nhưng tình hình Covid-19 tại Bangladesh nhìn chung khả quan hơn các nước lân cận. Số ca nhiễm và ca tử vong đã giảm mạnh sau đợt bùng phát hồi tháng 04, dù cũng giống như Ấn Độ, nước này có nhiều khu ổ chuột đông đúc dân cư, nơi người dân vẫn phải làm việc bất chấp lệnh phong tỏa.
Thế nhưng giới chức vẫn lo ngại tình hình sẽ chuyển biến xấu. Hôm 08/05, giới chức thông báo họ đã phát hiện ca nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 Ấn Độ đầu tiên.
"Nếu số lượng ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ xảy ra tại Bangladesh, tình hình sẽ giống như cây đổ trong bão lớn," chuyên gia y tế Anwarul Iqbal nói.
Số ca nhiễm cũng đang tăng tại các khu vực gần biên giới với Ấn Độ ở Bhutan, dù nước này đã tiêm chủng ít nhất một liều vaccine cho 95% dân số. Bhutan tháng trước đã dừng tiếp nhận lao động nước ngoài, sau khi giới chuyên gia lo ngại về nguy cơ của lao động từ Ấn Độ.
Biên giới Pakistan - Ấn Độ đã đóng cửa từ trước đại dịch do căng thẳng. Tuy vậy, số ca nhiễm tại Pakistan cũng đang gia tăng. Asad Umar, quan chức đứng đầu chiến dịch đối phó Covid-19 của nước này nhận định "số ca nhiễm, ca tử vong đang tăng rất nhanh trong toàn bộ khu vực" là lý do để áp dụng các biện pháp phong tỏa mới.
Ngay cả ở những nước bùng phát dịch bệnh không trực tiếp liên quan tới Ấn Độ, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng vẫn hiển hiện.
Giới chuyên gia cho rằng làn sóng lây nhiễm mới xuất hiện ở Sri Lanka là do người dân du lịch trong nước hồi tháng trước. Tuy vậy, cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ đã dẫn tới lệnh tạm dừng di chuyển giữa hai nước, làm tan vỡ hy vọng hồi phục ngành du lịch của Sri Lanka. Năm 2019, Sri Lanka đón khách du lịch từ Ấn Độ nhiều nhất, chiếm tới gần 20% lượt khách nước ngoài.
Tại Nepal, giới chuyên gia cho rằng phải mất khoảng hơn một tháng, đợt bùng phát hiện nay mới đạt tới đỉnh. Hệ thống y tế của nước này thậm chí quá tải hơn so với Ấn Độ.
Hồi tháng 05/2020, khi giới chức nước này ban hành kế hoạch đối phó với đại dịch, họ ước tính các cơ sở y tế sẽ không còn đủ chỗ nếu có hơn 5.000 bệnh nhân cần phải điều trị. Con số này hiện nay đã vượt 100.000.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)