Bản án tù chung thân dành cho Chu Vĩnh Khang "mang đến làn gió ớn lạnh" khiến nhiều quan tham phải run sợ nhưng cũng cho thấy sự "hãm phanh" trong chiến dịch "đả hổ" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chu Vĩnh Khang, tóc bạc trắng, xuất hiện trong phiên xử kín. Ảnh: CCTV |
Tại ngôi làng quê hương cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, khu lăng mộ dòng tộc họ Chu hiện trở thành địa điểm nổi tiếng cho du khách cũng như dân cư trong vùng kéo đến chụp ảnh và bình luận những câu chuyện bên lề, bất chấp việc Chu là người từng thâu tóm trong tay quyền lực to lớn với tư cách ông trùm an ninh Trung Quốc.
"Đi đêm lắm có ngày gặp ma", một người đàn ông giấu tên, phải đi hàng trăm km để tới được đây, nhìn sơ qua các bia mộ rồi lắc đầu nói. "Ông ta sụp đổ cũng chính bởi những lỗi lầm đã gây ra", người này nói thêm. "Ông ấy làm quá nhiều chuyện xấu và không thực hiện tốt bổn phận của một quan chức vì thế ông ấy bị mắc kẹt trong những hành động của chính mình".
"Chúng tôi không tới đây vì yêu quý ông ta", một người khác, cười tươi khi vừa chụp được một bức ảnh ưng ý trước khu lăng mộ, nói chen vào.
Với vai trò bí thư Ban Chính pháp Trung ương, Chu nắm quyền điều hành và có sức ảnh hưởng cực kỳ to lớn trong ngành công an, tòa án và giám sát nội địa. Chu từng được xem như kẻ nắm trong tay "kim bài miễn chết", bất khả xâm phạm trước pháp luật.
Tuy nhiên, hôm 11/6, Chu đã phải lĩnh án tù chung thân trong một phiên xử kín với các tội danh nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và "cố tình làm lộ bí mật nhà nước".
"Tôi phục tùng phán quyết của tòa án, không kháng cáo. Tôi biết mình đã vi phạm pháp luật, làm tổn hại hình ảnh của đảng. Một lần nữa, tôi xin nhận tội", Chu nói trong đoạn video đài truyền hình trung ương CCTV công bố.
Làn gió ớn lạnh
Theo một số nhà quan sát, bản án dành cho Chu chính là đỉnh cao trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Bên cạnh tính răn đe, nó còn truyền tải một thông điệp lớn hơn về quyền lực tuyệt đối của nhà lãnh đạo.
Bản án "mang đến một làn gió ớn lạnh, khiến tất cả mọi người đều phải cảnh giác", Robert Manning, nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Quốc tế Brent Scowcroft thuộc Hội đồng Atlantic, nhận định.
Việc một quan chức cấp cao như Chu phải nhận hình phạt thích đáng cho thấy ông Tập đã và đang tiếp tục củng cố sức mạnh ghê gớm bên trong đảng Cộng sản, theo AFP.
Với tư cách cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Chu là quan chức đảng có quyền lực cao nhất từng bị bắt giữ và xử lý ở Trung Quốc trong suốt 70 năm qua. Sự sụp đổ của Chu "đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình gia tăng quyền lực, mở rộng ảnh hưởng của ông Tập", Joseph Fewsmith, giáo sư tại Đại học Boston, nhận xét.
Theo Zhang Ming, giáo sư chính trị tại Đại học Nhân dân, ở Trung Quốc từng tồn tại một luật bất thành văn mà theo đó các thành viên Bộ Chính trị dù đương chức hay đã về hưu đều có khả năng miễn nhiễm trước pháp luật. Nhưng với bản án nghiêm khắc dành cho Chu "thỏa thuận ngầm này đã bị phá vỡ".
Giới phân tích cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập gợi nhớ đến một biện pháp thanh trừng kiểu cũ ở Trung Quốc. Nhưng khác biệt nằm ở chỗ, những nỗ lực của ông Tập nhận được sự ủng hộ lớn từ dân chúng.
"Tất cả các cuộc thăm dò đều cho thấy chiến dịch chống tham nhũng rất được tầng lớp dân thường đồng tình", ông Manning cho hay. "Vấn nạn tham nhũng là tiêu điểm của hàng chục nghìn cuộc biểu tình diễn ra hàng năm ở Trung Quốc".
Theo kết quả điều tra từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, 54% người dân Trung Quốc cảm thấy tham nhũng trong tầng lớp lãnh đạo là vấn đề nghiêm trọng. Chính vì thế, cuộc trấn áp tham nhũng, đặc biệt là bản án dành cho Chu, sẽ góp phần giúp Chủ tịch Tập thuyết phục công chúng rằng ông hoàn toàn đủ năng lực để thực hiện những lời hứa của mình cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế, xã hội.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương hồi tháng hai thông báo từ khi Chủ tịch Tập điều hành đất nước, 414.000 quan chức đã lĩnh án kỷ luật vì tham nhũng, trong đó, 201.600 người phải ra hầu tòa.
"Rõ ràng chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể", Cheng Li, giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton tại Viện Brookings, đánh giá. "Đây chính là thứ làm nên danh tiếng của ông ấy".
Theo Li, bản án dành cho Chu là cách để chính quyền đánh tan những nghi hoặc. Ở Trung Quốc, "ngay cả những cựu quan chức vẫn có sức ảnh hưởng và đủ khả năng bảo vệ vị thế của mình" vì thế án chung thân của Chu " thực sự là một bước đột phá", ông nhấn mạnh.
Thỏa hiệp
Tuy nhiên, một số cho rằng bản án chung thân dành cho Chu không đủ nặng và lẽ ra Chu phải bị xử tử. BBC dẫn lời Willy Lam, nhà phân tích chính trị tại Đại học Trung Quốc của Hong Kong, cho rằng bản án dành cho Chu gây bất ngờ lớn. "Bản án chung thân này nhẹ hơn phán đoán trước đó. Đa số cho rằng Chu phải lĩnh án tử hoặc án tử hình treo".
Roderick MacFarquhar, giáo sư đại học Harvard, chuyên về chính trị cấp cao Trung Quốc, cho rằng thời điểm tuyên án Chu Vĩnh Khang là thời điểm để ông Tập "quyết định xem liệu Chu là 'hổ' lớn đầu tiên hay cuối cùng bị đả".
Andrew Wedeman, giáo sư khoa học chính trị tại đại học bang Georgia, Mỹ, chuyên nghiên cứu về tham nhũng ở Trung Quốc, nhận thấy có sự "hãm phanh" trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi".
Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2014 của Tổ chức Minh bạch Toàn cầu cho thấy Trung Quốc năm ngoái xuất hiện nhiều trường hợp tham nhũng hơn cả năm trước đó. Gần một năm đã trôi qua kể từ khi Chu bị điều tra nhưng đến nay vẫn chưa có thêm quan chức cấp cao nào với địa vị tương tự rơi vào vòng kiềm tỏa của chiến dịch chống tham nhũng. Truyền thông nhà nước chỉ dồn sự tập trung vào chiến dịch "săn cáo", nhằm vào các quan chức tham nhũng cấp thấp hơn trốn ra nước ngoài.
Wedeman nhấn mạnh việc truy tố quan chức cấp cao như Chu có thể gây ra tổn hại lâu dài trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc. "Cần phải có sự cân bằng", Wedeman nhận định. "Không thể cứ kết tội hết 'hổ' này đến 'hổ' khác mà không xem xét tới toàn thể nội bộ đảng. Có lúc cần phải hãm mọi thứ lại."
Willy Lam nhận xét án tù chung thân đối với Chu "gần giống một lời thỏa hiệp" mà ông Tập gửi đến những "hổ lớn" nhiều quyền uy trong nội bộ đảng.
"Chủ tịch Tập hẳn là không muốn kết oán với quá nhiều người", Lam nói, bởi "chiến dịch chống tham nhũng khiến ông ấy có thêm không ít kẻ thù mới".
Theo Zhang Lifan, bình luận viên chính trị độc lập ở Bắc Kinh, tiến độ điều tra tham nhũng đối với các quan chức cấp cao diễn ra chậm chạp "khiến người ta có cảm giác những người này đang tập hợp lại và tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ".