Trong một dự án do chính phủ Trung Quốc tài trợ, các nhà khoa học nước này vừa đề xuất vẽ lại “đường lưỡi bò” bằng cách nối liền mạch 9 nét đứt thành một đường ranh giới mới nhằm khẳng định cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Tờ South China Morning Post dẫn lời một thành viên giấu tên trong nhóm tiết lộ lưỡi bò liền mạch sẽ bắt đầu từ vị trí cửa vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đi về phía nam vào vùng biển Malaysia, Philippines và kết thúc ở phía đông nam Đài Loan. Đường ranh giới này nuốt trọn gần cả Biển Đông, bao trùm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam và bãi cạn Scarborough, một điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Âm mưu thâu tóm
Với ranh giới phi pháp mới đề xuất này, Trung Quốc có thể đơn phương tuyên bố quyền hạn áp đặt lên nhiều hoạt động trong khu vực từ đánh bắt, khai thác tài nguyên năng lượng, khoáng sản cho đến xây dựng căn cứ quân sự với cảng nước sâu hoặc sân bay. Nhà khoa học giấu tên còn lớn tiếng nói các bên khác muốn hoạt động trong phạm vi bản đồ phi pháp nói trên thì “phải thảo luận với Trung Quốc” và nước này sẽ “bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực”. Người này đưa ra trường hợp bãi cạn Scarborough đang do Bắc Kinh kiểm soát nhưng cho phép tàu Philippines đánh bắt tại đây sau các cuộc “đối thoại” với Manila.
Tháng 7.2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò và khẳng định: “Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố quyền lịch sử đối với những tài nguyên biển trong đường 9 đoạn”. Từ đó đến nay, giới chức Trung Quốc hầu như không nhắc đến yêu sách đường lưỡi bò trong các tuyên bố chính thức nhằm qua mắt dư luận và tập trung bồi đắp trên Biển Đông. Đến nay, sau khi Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố các công trình phi pháp “đã hoàn thành” thì ý đồ đường lưỡi bò mới đã nhanh chóng xuất hiện.
Theo South China Morning Post, nhóm nghiên cứu nói trên đang dùng dữ liệu định vị vệ tinh để vạch ra ranh giới phi pháp mới. Vẽ lại bản đồ chỉ là bước đầu tiên và sắp tới sẽ là khoanh vùng, xác định trữ lượng dầu mỏ, khí đốt cùng tài nguyên khác. Nhà khoa học giấu tên cho biết thêm hành động này “nhằm mục tiêu nghiên cứu khoa học và củng cố tuyên bố chủ quyền, chuẩn bị cho những thay đổi về chính sách trong tương lai”.
Chiến lược mơ hồ nguy hiểm
Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc cố ý sử dụng cách diễn giải mơ hồ, rối rắm và phi lý đối với đường lưỡi bò nhằm che giấu sự thật rằng yêu sách không hề có cơ sở pháp lý. Bản vẽ đường 9 đoạn lần đầu tiên được Bắc Kinh tung ra được nói là có từ năm 1947 và đến năm 2013, chính quyền Trung Quốc lại vẽ thêm một đoạn tại vị trí gần Đài Loan. Tuy nhiên, trong báo cáo đăng trên tạp chí chuyên ngành China Science Bulletin (Trung Quốc) hồi tháng 3.2018, một nhóm tác giả ẩn danh tuyên bố đưa ra đề xuất nối liền 9 nét đứt dựa vào “chứng cứ lịch sử” là bản đồ thất lạc hồi năm 1951 của chính phủ bao gồm 2 đường liền mạch song song.
South China Morning Post dẫn lời tiến sĩ Ian J.Storey, chuyên gia về an ninh hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu Yusof Ishak (Singapore), nhận định kế hoạch dùng bản đồ năm 1951 để phù phép đường lưỡi bò được cho là một phần trong chiến lược mơ hồ nhằm lách phán quyết của PCA vì tòa án này nhằm vào đối tượng cụ thể là bản đồ năm 1947. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ không chính thức tuyên bố về đường lưỡi bò liền mạch trong tương lai gần để tránh sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là thông tin về kế hoạch mới lại xuất hiện trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tập trung chú ý vào tình hình Syria và những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên. Chuyên gia Euan Graham thuộc Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) bình luận trên Twitter rằng cố tình tung tin bằng nguồn giấu tên là chiêu trò quen thuộc của Trung Quốc nhằm thử phản ứng của quốc tế. Nếu các bên khác thiếu cảnh giác thì sớm muộn gì đường lưỡi bò liền mạch sẽ lẳng lặng thành hình.
Trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hôm qua, người đứng đầu Bộ Tư lệnh các lực lượng hạm đội Mỹ Philip S.Davidson cảnh báo Trung Quốc đã xây dựng đủ cơ sở quân sự để kiểm soát toàn bộ Biển Đông. “Trung Quốc đã xây xong sân bay, cảng, cơ sở quân sự trên những đảo chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Giờ đây Bắc Kinh chỉ việc điều động tàu chiến và máy bay đến là có thể lấn át các bên khác. Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc có thể dùng những cơ sở quân sự trên biển để thách thức sự hiện diện của Mỹ. Nói tóm lại, theo tôi, Trung Quốc hiện có đủ khả năng kiểm soát Biển Đông trong nhiều hoàn cảnh, ngoại trừ xung đột trực tiếp với Mỹ”, tạp chí Newsweek dẫn lời đô đốc Davidson cảnh báo.
Theo Phúc Duy (Thanh Niên Online)